Cảng đường thủy kêu khó vì không được đón tàu to
Trước tình trạng 'tàu to, cảng nhỏ', gần đây khá nhiều cảng, bến đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động cảng, đồng thời cấp phép theo mớn nước...
Ngày càng có nhiều phương tiện thủy trọng tải lớn xuất hiện nhằm tận dụng ưu thế sức chở lớn để giảm giá thành vận tải. Tuy nhiên do bất cập trong cơ chế quản lý khiến thủ tục phương tiện ra vào cảng gặp khó.
Nhiều cảng bị phạt do đón tàu vượt đăng ký
Cảng thủy chuyên dùng của nhà máy phân đạm Hà Bắc trên sông Thương (Bắc Giang) vừa bị cơ quan cảng vụ xử phạt cả chục triệu đồng do tiếp nhận phương tiện thủy chở hàng có sức chở trên 400 tấn và mớn nước vượt quá 1,6m. Đây là những loại tàu vượt quá loại chủng loại được phép tiếp nhận so với giấy phép công bố hoạt động của cảng.
Chủ cảng này cho biết khá bất ngờ khi bị xử phạt vì luồng tàu trên tuyến đáp ứng cho tàu cỡ lớn hơn đi lại bình thường. “Hiện cảng đang thực hiện các thủ tục để nâng cấp, đề nghị công bố lại, cho phép cảng được đón phương tiện theo mớn nước lớn hơn so với hiện nay”, chủ cảng chuyên dùng này nói.
Trường hợp trên không phải cá biệt, nhiều DN cảng, bến thủy hàng hóa ở Hải Dương, Nam Định cũng phản ánh, gần đây liên tục bị lập biên bản, xử phạt do đón tàu có trọng tải, mớn nước lớn hơn giấy phép.
“Thực tế, cảng đón được tàu lớn hơn, nhưng khi xin giấy phép hoạt động chỉ vừa đúng với loại tàu tương đương với cấp kỹ thuật của luồng tuyến. Tuy nhiên, giờ luồng tuyến cũng sâu hơn, tàu to hơn nhiều vẫn lưu thông bình thường mà cảng không được đón sẽ mất khách. Chúng tôi đã kiến nghị không nên giới hạn trọng tải, kích cỡ phương tiện vào cảng, bến”, một chủ cảng nói.
Ông Phạm Thanh Quyết, Phó phụ trách Đại diện cảng vụ đường thủy Bắc Giang cho biết, từ tháng 7/2019 các đại diện cảng vụ siết chặt quản lý hơn đối với phương tiện thủy vào cảng, bến. “Trường hợp cảng, bến tiếp nhận phương tiện thủy có trọng tải lớn hơn so với giấy phép hoạt động cảng, bến sẽ bị xử phạt. Để được tiếp nhận phương tiện lớn hơn, cảng, bến phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp phép lại”, ông Quyết cho biết.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, luồng đường thủy được phân chia thành 7 cấp kỹ thuật, tương ứng với mỗi cấp là khả năng phù hợp với loại tàu có trọng tải lớn nhất (chẳng hạn cấp II, phù hợp với tàu trọng tải đến 600 tấn, đoàn sà lan 4x400 tấn và 2x600 tấn).
Thực tế, rất nhiều luồng tuyến đường thủy sau một vài năm cải tạo, được nạo vét hoặc khai thác khoáng sản lòng sông đã có độ sâu lớn hơn, giúp phương tiện thủy có kích cỡ, trọng tải lớn hơn cấp luồng vẫn có thể lưu thông. Tuy nhiên, hầu hết cảng bến khi xin phép hoạt động vẫn phải căn cứ vào tiêu chuẩn, cấp kỹ thuật của luồng tuyến để phù hợp các tiêu chí liên quan.
Quy định cấp kỹ thuật cảng, luồng lỗi thời?
“
Tàu trọng tải trên 1.500 tấn tăng nhanh
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, cả nước hiện có hơn 253.700 phương tiện thủy nội địa đã được cấp đăng ký, trong đó hơn 75% là tàu chở hàng. Tỷ trọng phương tiện có trọng tải lớn và chuyên dùng có xu hướng gia tăng, nhất là loại tàu có trọng tải trên 1.500 tấn. Năm 2014, số lượng phương tiện này tăng lên gấp đôi, từ gần 700 chiếc lên gần 1.300 chiếc. Về cảng, bến, tổng số hiện có 285 cảng (gồm 210 cảng hàng hóa) và hơn 8.200 bến thủy các loại.
”
Ông Nguyễn Văn Luận, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy Bắc Ninh cho biết, trước tình trạng “tàu to, cảng nhỏ”, gần đây khá nhiều cảng, bến đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động cảng, đồng thời cấp phép theo mớn nước (chiều sâu chìm trong nước của phương tiện) thay vì chỉ tính theo trọng tải như trước. “Hiện nhiều phương tiện thủy được đóng với chiều rộng hơn để tăng sức chở nên việc cấp phép đón tàu theo mớn nước cũng phù hợp hơn với thực tế”, ông Luận nói.
Ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn, sự cố xuất phát từ việc cảng, bến đón phương tiện thủy có trọng tải, kích thước lớn hơn so với giấy phép. Tuy nhiên, ông Duy cũng cho rằng, hiện nhiều luồng đường thủy đã sâu hơn, phương tiện cũng được đóng to hơn, cảng bến có thể tiếp nhận phương tiện lớn hơn so với công bố.
“Một số DN kiến nghị khi cấp phép cho phương tiện thủy vào cảng, bến không nên giới hạn theo tấn trọng tải hay kích thước dài, rộng như hiện nay. Trong dự thảo nghị định quản lý đường thủy, chúng tôi đã đề xuất cơ chế linh hoạt hơn, giao cho thuyền trưởng, chủ cảng bến và cảng vụ đường thủy được quyền quyết định cho phương tiện thủy cập bến trên cơ sở cùng chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn”, ông Duy nói.
Thừa nhận thực tế trên, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thực tế phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy và các quy định về cấp kỹ thuật cảng, luồng đường thủy không còn phù hợp. Luật Quy hoạch cũng không quy định quản lý đối với đội tàu.
“Tới đây, Cục Đường thủy sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý hạ tầng, đội tàu theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cảng bến, vận tải khai thác tối ưu hạ tầng đường thủy”, ông Giang nói và lấy ví dụ sẽ tạo cơ chế để DN được tự chủ hơn trong khai thác hạ tầng và có định hướng, khuyến khích phát triển đội tàu theo mẫu đã được nghiên cứu, tính toán hiệu quả.