'Căng mình' chống dịch ở biên giới để bảo vệ mình và bạn
Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hơn 1 năm qua, lực lượng biên phòng tỉnh Long An đã và đang xây chắc 'thành lũy' ngăn dịch Covid-19 lây lan qua biên giới. Dù nắng gắt hay mưa giông, những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) vẫn kiên cường bám chốt chống dịch.
Không lơ là, chủ quan
21 giờ, trên đường biên giới đoạn qua xã Mỹ Quý Tây, Trung tá Lê Trọng Tình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), cùng anh em đi kiểm tra biên giới. Bật đèn pin sáng quắc, các CBCS soi từng bụi cây, gò nổi, bởi biết đâu có đối tượng vượt biên đang ẩn nấp. Anh Tình nhắc các CBCS tuần tra: “Chúng ta phải kiểm tra thật kỹ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”.
Theo CBCS, đặc điểm biên giới ở đây chỉ cách một bờ ruộng nên nếu sơ hở là đối tượng buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép có thể vượt biên lúc nào không hay. “Dịch bệnh trong tỉnh đã và đang phức tạp, nếu để nguồn bệnh lây lan qua biên giới nữa sẽ rất nguy hiểm” - một chiến sĩ trong đoàn tuần tra nói.
Thời gian qua, ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây kiểm soát chặt chẽ đoạn biên giới phụ trách. Vậy nhưng, vẫn có những trường hợp tìm cách vượt biên và bị biên phòng phát hiện, bắt giữ kịp thời, đưa đi cách ly tập trung. Mới đây, vào lúc nửa đêm, một nhóm người nhập cảnh trái phép bị biên phòng phát hiện. Nhóm người bỏ chạy tán loạn nhưng đều bị biên phòng bắt lại, đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Những đêm như thế, nhiều CBCS lại thức trắng.
Trong những vụ việc này, lực lượng điều tra còn phát hiện có những đối tượng, đường dây tổ chức đưa, rước người qua biên giới. “Vừa rồi, chúng tôi bắt được mấy trường hợp và giao công an khởi tố để điều tra, làm rõ”- Trung tá Lê Trọng Tình kể.
Nói về nhập cảnh trái phép, người dân ở biên giới cho biết, người Việt mình làm ăn, sinh sống, tạm trú bên Campuchia rất nhiều. Có những thời điểm dịch Covid-19 bên Campuchia phức tạp, nhiều người muốn về nước tránh dịch. Tuy nhiên, họ không đi theo đường chính ngạch vì sợ cách ly tập trung mà lại tìm cách nhập cảnh trái phép về nước. Nếu để lọt những trường hợp này thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Không chỉ nhập cảnh mà thời gian qua, lực lượng chức năng còn phát hiện, bắt được những trường hợp đang tìm cách xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Những trường hợp này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho phía Campuchia. Vì vậy, mình phải có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời, không để lọt sang bên bạn. Công tác này được lực lượng hai bên biên giới phối hợp thực hiện và trao đổi thông tin cho nhau để có giải pháp phòng ngừa kịp thời. Làm tốt công tác ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép là vừa bảo vệ sức khỏe, an toàn cho mình và cả bên phía nước bạn Campuchia.
Mùa này biên giới mưa, nắng thất thường. Công tác bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19 càng thêm vất vả. Nhiều chốt kiểm soát trên tuyến biên giới được mở ra để phòng, chống dịch còn đơn sơ, tạm bợ; mưa tạt, gió lùa, nắng thì nóng hầm hập như lò lửa. “Nhiều hôm trời mưa to, gió lớn, thấy các chú bộ đội vẫn kiên cường bám chốt, tôi xúc động vô cùng” - ông Nguyễn Văn Thắng - người dân ở xã Mỹ Quý Tây, bày tỏ.
Chứng kiến những hình ảnh đó, ông Thắng và những người dân ở địa bàn càng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ biên giới bình yên. Khi phát hiện những đối tượng khả nghi, điều gì bất thường là báo cho bộ đội biên phòng biết để kịp thời xử lý. Người dân đều hiểu, đôi khi chỉ một người mất cảnh giác, chủ quan hay tiếp tay cho xuất, nhập cảnh trái phép thì biết bao người khác phải vất vả, thậm chí bao công sức, thành quả phải “đổ sông, đổ biển”.
Lên chốt lúc nửa đêm hỗ trợ anh em
Trong nhật ký chống dịch của mình, Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), viết những dòng chân thực và vô cùng xúc động. Anh viết: “Nửa đêm, đang mơ mơ màng màng, nghe tiếng gọi quen thuộc của Đồn trưởng: “Nam ơi! Nam ơi!”. Vội vàng bật dậy, xỏ chân vào đôi giày, tay quơ lấy chiếc đèn pin một cách quán tính, không cần bật đèn, không cần dò dẫm, rồi lao nhanh ra cửa, tót lên chiếc “ngựa sắt” chờ sẵn của Đồn trưởng. Chiếc xe xé màn đêm lao vun vút trong hơi lạnh của sương đêm. Vừa chạy, Đồn trưởng vừa trao đổi: “Khu vực chốt KT4 hình như có người định xâm nhập, trên chốt báo về như thế, chúng mình ra kiểm tra và giúp đỡ anh em”.
Chẳng biết tự bao giờ, nhiều CBCS lúc ngủ vẫn mặc nguyên bộ quân phục, thêm đôi vớ màu xanh, trời biên giới Tây Nam mùa này rất oi nồng, nóng nực nhưng chẳng thể trút bỏ quân phục để cho thoải mái. Bởi vì, chỉ sợ khi có tình huống trên biên giới không lên kịp để phụ anh em.
Đã 2 năm trôi qua, lỡ hẹn với con 2 lần “khi nào tụi con nghỉ hè, cha mẹ sẽ đưa tụi con về quê thăm nội, ngoại”, cậu út năm nay mới lớp hai nhưng lý sự như “ông cụ non”: “Nhà mình có cha cũng như không, không thấy cha về đưa con đi mua đồ chơi gì hết trơn, cha toàn hứa không hà”,...
Anh hai lớp 5 rồi nên có vẻ trưởng thành hơn: “Không biết cha với các chú trực phòng, chống dịch Covid-19 à, cha cũng cực lắm chứ bộ, cứ nhõng nhẽo hoài!”... Mỗi lần gọi điện cho con, hai khóe mắt cứ cay cay, lại phải “lên dây cót” để động viên mình và anh em cùng cố gắng.
Cũng vì tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều CBCS gia đình ở ngoài Bắc, ngoài Trung nhưng 2 năm nay rồi chưa về quê một lần. Có đồng chí ở quê nhà có những việc đại sự, thậm chí cha mất nhưng đành gác lại niềm riêng, quyết tâm bám chốt làm nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Đồng chí Đồn trưởng đến gõ cửa phòng mà anh Nam viết trong dòng nhật ký chính là Thượng tá Phạm Thành Trung. Như nhiều CBCS khác, kể từ ngày bận chống dịch, ngăn dịch ở biên giới đến nay, hơn 1,5 năm rồi, Thượng tá Trung chưa về Hà Nội thăm vợ, con. Nhớ vợ, con da diết nhưng là người lính thì phải vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh hiểu rằng, rất nhiều CBCS đều vất vả như thế và nhiều lực lượng khác cũng đang “hy sinh” và có những đóng góp thầm lặng theo cách khác nhau. Hơn nữa, là chỉ huy đơn vị, anh Trung còn có trọng trách khác rất quan trọng là quan tâm thăm hỏi, động viên, giúp đỡ CBCS cấp dưới để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhớ vợ, con nên tranh thủ chút thời gian khi nghỉ ngơi, anh lại gọi điện trò chuyện, hỏi thăm. “Mình luôn tự hứa với lòng sẽ quyết tâm vượt qua mọi gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Thượng tá Trung tâm sự.
Và để thay cho lời kết, chúng tôi xin trích tiếp đoạn nhật ký mà Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, viết: “Chỉ mong, cơn “bạo bệnh” của đất trời nhanh chóng đi qua, trả lại bầu không khí trong lành, trả lại không gian hối hả, nhộn nhịp hàng ngày của cuộc sống. Và, thèm cả sự yên tĩnh, thèm một giấc ngủ ngon, không chập chờn, thảng thốt, không còn phải nghe những tiếng gõ cửa dồn dập giữa đêm khuya thanh vắng,…”./.