Căng mình phòng, chống cháy rừng

Nhiều địa phương đang bước vào cao điểm mùa khô - nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao (cấp IV, V) nên các ngành chức năng địa phương đang căng mình phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Nguy cơ cháy rừng gia tăng

Thời điểm này, ban ngày trời nắng như đổ lửa nên mực nước dưới các cánh rừng vùng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) bốc hơi nhanh, các loài dây leo sống bám trên thân cây tràm khô héo dần, độ ẩm lớp thực bì cũng giảm rất nhanh, nguy cơ cháy rừng ngày càng cao. Vì vậy, công tác giữ rừng được tập trung cao độ, ứng trực 24/24 giờ. Ngồi trên chòi quan sát, anh Trương Minh Kha (đội trực Kênh Đứng, Vườn quốc gia U Minh Hạ) cho biết: “Đội có 3 người thay phiên nhau trực trên chòi canh. Dù công việc trực trên chòi canh nắng nóng có nhàm chán nhưng anh em không ai dám lơ là”.

Thông tin từ Sở NN-MT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên 36.300ha rừng U Minh Hạ, rừng đảo trên địa bàn tỉnh đã khô hạn. Trong đó, dự báo cấp cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) có 20.100ha; cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) gần 4.800ha. Là đơn vị quản lý đất lâm nghiệp lớn nhất khu vực U Minh Hạ (diện tích trên 24.130ha), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đã bố trí 18 tổ máy bơm chữa cháy ứng trực tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy cao và 1 tổ cơ động ứng trực tại văn phòng công ty.

Lực lượng tham gia trực PCCCR trong ngày tại các tổ máy bơm trên toàn lâm phần có 90-120 lực lượng. Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện phát dọn kênh lưu thông và băng xanh cản lửa trên 212km, chỉnh trang 28 chòi quan sát lửa cố định, gia cố 1 chòi tạm thời và bố trí lực lượng trực canh lửa rừng 24/24 giờ trong thời gian cao điểm kể từ đầu tháng 3-2025…

“Chúng tôi kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ người ra, vào rừng và các hoạt động khác vào thời gian cao điểm PCCCR. Phối hợp với chính quyền địa phương nắm các đối tượng chuyên nghiệp thường xuyên ra, vào rừng săn bắt kèo ong, báo lực lượng công an và kiểm lâm theo dõi, kịp thời giáo dục, cam kết, đồng thời ngăn chặn và xử lý những hành vi gây nguy hại đến rừng”, ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, thông tin thêm.

Tại Kiên Giang, trên lâm phần Vườn quốc gia Phú Quốc, ngành chức năng hơn 1 tháng qua cũng đưa ra dự báo cấp cháy rừng là cấp IV, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), diện tích có nguy cơ cháy cao hơn 6.770ha, với các dạng rừng nghèo, dây leo, cây bụi, rừng tràm, trảng cỏ, sim, mua… trải dài từ Bắc đảo xuống Nam đảo, nằm trên địa bàn các xã Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Dương, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Dương Tơ và phường An Thới. Bên cạnh đó, nguồn nước sụt giảm nhiều so với cùng kỳ và nếu nắng hạn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt sẽ không có đủ nước chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.

 Cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai diễn tập phòng chống cháy rừng. Ảnh: HOÀNG BẮC

Cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai diễn tập phòng chống cháy rừng. Ảnh: HOÀNG BẮC

Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp cho biết, Vườn quốc gia Phú Quốc cập nhật, đánh giá và khoanh vùng trọng điểm, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực trọng yếu dễ xảy ra cháy; thực hiện các biện pháp cày, trục để làm giảm vật liệu cháy, tạo đường băng trắng cản lửa.

Đơn vị thực hiện đóng lán trại, bố trí các đội PCCCR trực chiến 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm, cắm các bảng cấm, dự báo cấp cháy để cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến cộng đồng dân cư, phân công lực lượng trực tháp quan sát 24/24 giờ nhằm phát hiện sớm lửa rừng.

Triển khai nhiều giải pháp

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn đang ở cấp độ V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Rừng ở các huyện Long Đất, Phú Mỹ, Xuyên Mộc và Côn Đảo có nguy cơ cháy cao nhất. Hiện nay, tỉnh đã triển khai bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào những khu vực có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về PCCCR.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, các địa điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng như trảng Tà Nốt, trảng Rừng Dầu (Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, huyện Tân Biên) đang được cơ quan chức năng bố trí lực lượng và phương tiện ứng trực 24/24 giờ (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết); xử lý thực bì, đốt dọn chủ động tạo ra những đường băng trắng có chiều ngang 8-10m tại một số khu vực ven rừng trồng, rừng tự nhiên, ven trảng cỏ, cặp đường giao thông, ven đất sản xuất nông nghiệp nhằm ngăn cản lửa cháy lan từ bên ngoài vào.

Tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 182.000ha, có nhiều cụm dân cư sống len lỏi trong rừng và việc người dân sử dụng lửa bất cẩn rất dễ xảy ra cháy cũng như nguy cơ cháy lan vào rừng. Ngay từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã chủ động bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương và ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR.

Theo chân các cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm cơ động (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) đi vào rừng chiến Khu Đ, chúng tôi ghi nhận dọc đường đi vào rừng, đơn vị bố trí nhiều điểm trực gác. Đang mùa ươi bay, người dân thường vào rừng khai thác trái phép nên ngoài việc tuần tra cắt rừng, tổ chức chốt chặn và canh phục vào ban đêm, các trạm kiểm lâm còn sử dụng flycam để phát hiện các hành vi vi phạm.

Anh Nguyễn Bá Lộc, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động, chia sẻ, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 100.000ha rừng và lòng hồ Trị An nên lực lượng kiểm lâm của 18 trạm thuộc Khu bảo tồn đang phải căng mình phòng chống cháy rừng vừa ngăn không cho người dân vào khai thác ươi, vừa duy trì 100% quân số trực gác nghiêm ngặt trong mùa khô.

Mới đây, tại Công điện số 36/CĐ-TTg ngày 13-4-2025, Thủ tướng đã chỉ đạo siết chặt PCCCR trên cả nước. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. Các địa phương phải triển khai quyết liệt phương châm “4 tại chỗ”, kiểm soát người ra vào rừng, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực nguy cơ cao; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Miền Bắc: Liên tục cháy rừng

Trong ngày 16-4, ở miền Bắc tiếp tục xảy ra các vụ cháy rừng, gây thiệt hại cả lâm nghiệp lẫn nhân mạng. Cụ thể, từ đầu giờ chiều 16-4, một đám cháy rừng đã lây lan từ ngọn núi thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình sang khu rừng thuộc phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng (tỉnh Hà Nam).

Chính quyền tỉnh Hà Nam đã huy động tối đa nhân lực (600 người, gồm lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân địa phương), chia thành nhiều mũi dùng máy thổi, dao phát và các thiết bị chuyên dụng để tạo đường băng cản lửa. Đến rạng sáng 17-4, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Ước tính diện tích rừng bị cháy khoảng 3ha, không có thiệt hại về người.

Cũng trong chiều 16-4, một vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại thôn Khuổi Quân, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Lực lượng chức năng và người dân đã dập tắt đám cháy vào khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày. Tuy nhiên, sau vụ cháy, người dân phát hiện một phụ nữ trú tại địa phương bị mất tích.

Đến tối 16-4, thi thể nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng cháy đen tại khu vực rừng bị cháy. Nạn nhân được xác định là bà H. (sinh năm 1969), có thể đã tử vong do ngạt khói hoặc kiệt sức khi tham gia chữa cháy.

Các vụ cháy lớn từ ngày 12 đến 16-4

* Lạng Sơn: 18 điểm cháy rừng.

* Tuyên Quang: 8 điểm cháy rừng.

* Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên: mỗi tỉnh có 6 điểm cháy rừng.

* Cao Bằng: Từ ngày 13 đến 15-4, xảy ra vụ cháy lớn ở xóm Yên Lạc, xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, thiêu rụi 10ha rừng phòng hộ.

* Vĩnh Phúc: chiều 15-4, cháy rừng bạch đàn tại núi Ngang, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, gây thiệt hại khoảng 20ha rừng.

* Bắc Giang: ngày 12-4, xảy ra 2 vụ cháy tại huyện Lục Nam, thiêu rụi tổng cộng khoảng 15,3ha rừng.

* Quảng Ninh: đêm 12 đến sáng 13-4, xảy ra 2 vụ cháy rừng tại phường Đại Yên (TP Hạ Long) và thị trấn Bình Liêu, gây thiệt hại trên 40ha rừng.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cang-minh-phong-chong-chay-rung-post791385.html