Căng mình ứng phó bão số 3

Đêm 6-9, dự kiến bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa

Chiều 5-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và 12 bộ, ngành liên quan để triển khai công tác ứng phó với siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi).

Khẩn cấp chủ động ứng phó

Báo cáo tại cuộc họp, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết địa phương đã triển khai rất nghiêm túc, khẩn trương các công điện của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tỉnh Quảng Ninh duy trì hơn 3.200 cán bộ, 68 ô tô, 18 tàu sẵn sàng xử lý các tình huống do bão số 3 gây ra. Đến trưa 5-9, còn 154 khách trên các tuyến đảo, hiện đã nắm được thông tin về bão. Tỉnh có 2.889 cơ sở nuôi trồng thủy sản với hơn 3.000 lao động. Hiện đã đưa toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ em lên khu vực an toàn, dự kiến hoàn thành việc đưa số người còn lại lên bờ vào chiều 6-9. Quảng Ninh dự kiến cấm biển từ sáng 6-9.

Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng cho biết đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, thị sát các điểm xung yếu có thể bị ảnh hưởng bởi bão. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố bố trí sẵn sàng ứng trực, hỗ trợ người dân. Từ sáng 4-9, lãnh đạo TP Hải Phòng đã trực tiếp đến kiểm tra 2 tuyến đê xung yếu tại huyện Vĩnh Bảo. Thành phố đặc biệt quan tâm đến nhóm tàu thuyền ở đảo Bạch Long Vĩ, trong đó có khoảng hơn 60 phương tiện ở xa bờ và đang di chuyển nhanh nhất có thể về nơi neo đậu an toàn.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết các đơn vị quân đội đang rà soát và kiểm tra lại các khu vực đón nhân dân sơ tán, sắp xếp các khu neo đậu, di dời lồng bè về nơi an toàn, rà soát kho tàng, nơi tập kết phương tiện, vật tư ứng phó với bão số 3. Ngoài ra, các đơn vị đang tiếp tục kiểm tra các khu neo đậu, đảo ven bờ. Chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, quân đội đang duy trì thường trực 425.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng 4.000 phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi cần.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương, bộ ngành cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng ngừa rủi ro để không hối tiếc trong ứng phó bão. "Với cường độ bão và gió giật như vậy, tôi rất lo lắng. Nếu không có phương án kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều. Chúng ta phải đặt ra các tình huống, kịch bản từ bây giờ, không chờ công điện nữa mà các địa phương cần chủ động. Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn" - Bộ trưởng nhấn mạnh. Trong ngày 6-9, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức các đoàn về các tỉnh kiểm tra ứng phó bão ở những nơi xung yếu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với siêu bão số 3 vào ngày 5-9

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với siêu bão số 3 vào ngày 5-9

Cảnh báo mưa lớn, ngập lụt diện rộng

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đến đất liền, cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.

Dự báo khoảng đêm 6-9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Khoảng chiều đến đêm 7-9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ và suy yếu.

Từ đêm 6-9 đến sáng 9-9, khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phổ biến 100-150 mm. "Nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất" - ông Khiêm cảnh báo.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá với diễn biến và dự báo về bão số 3 cho thấy đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp. Ông yêu cầu đề cao tinh thần cảnh giác, phát huy "4 tại chỗ" kịp thời, chính xác, phối hợp nhịp nhàng trong công tác ứng phó.

Để ứng phó hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu cần làm tốt công tác dự báo về bão. Các địa phương, bộ, ngành triển khai công tác phòng chống bão hết sức chặt chẽ, nghiêm túc. Mỗi lực lượng, mỗi tổ chức, mỗi cấp lãnh đạo phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trên tinh thần chủ động, nghiêm túc. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm".

Đối với các tỉnh vùng cao, Phó Thủ tướng yêu cầu cần cập nhật thường xuyên bản đồ dự báo về lũ quét, lũ ống, nguy cơ sạt lở, đứt gãy địa chất… Từ đó di dời dân cư ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Yêu cầu từ nay đến trưa 6-9, nếu còn người dân ở khu vực nguy hiểm không chịu di dời thì phải cưỡng chế đến nơi an toàn.Dự báo từ trưa 6-9, bão bắt đầu tác động vào vịnh Bắc Bộ và đất liền, cơ quan chuyên môn cần dự báo được thủy văn. "Vùng hoàn lưu cơn bão rất lớn, chúng ta không chỉ quan tâm đến hoạt động của bão trên biển mà cần quan tâm đến ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Đây mới là thời điểm nguy hiểm. Phải dự báo được thủy văn để chủ động ứng phó" - Phó Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó

Ngày 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 87 chỉ đạo các bộ ngành, các tỉnh phía Bắc và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3.

Thủ tướng yêu cầu các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống bão, lũ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm. "Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản" - công điện nêu rõ.

Trung Quốc nâng cảnh báo về bão Yagi

Theo Tân Hoa Xã, tỉnh đảo Hải Nam - Trung Quốc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với siêu bão Yagi lên mức cao nhất từ trưa ngày 5-9. Cơ quan khí tượng của tỉnh cho biết bão Yagi, cơn bão thứ 11 trong năm nay tấn công Trung Quốc, đã phát triển thành siêu bão cấp 17 với sức gió lên tới 209 km/giờ và đang tiến về phía Hải Nam.

Theo Cơ quan Phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia Trung Quốc, tâm bão lúc 14 giờ ngày 5-9 (giờ địa phương, tương ứng 13 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam) nằm trên vùng biển cách huyện Từ Văn, tỉnh Quảng Đông khoảng 540 km về phía Đông Nam. Cơ quan này cho rằng Yagi sẽ đổ bộ vào chiều hoặc tối ngày 6-9 tại một vị trí giữa TP Quỳnh Hải ở tỉnh đảo Hải Nam và TP Mậu Danh ở tỉnh Quảng Đông.

Từ hôm 4-9, hơn 78.000 ngư dân và công nhân xây dựng ngoài khơi và công nhân khoan dầu ở Hải Nam đã được yêu cầu ngừng làm việc và được sơ tán. Công tác sơ tán cư dân cũng đang được triển khai hôm 5-9 tại các vùng dự kiến chịu ảnh hưởng lớn nhất, bao gồm 240.000 người ở TP Văn Xương, trong đó có hơn 28.300 người thuộc khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao hay ở trong những ngôi nhà không an toàn.

Tại TP Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam, các công ty, trường học, phương tiện giao thông công cộng... và các dịch vụ khác đã bắt đầu tạm ngừng hoạt động. Tất cả các chuyến bay đến và đi tại sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu dự kiến sẽ bị hủy từ 20 giờ tối 5-9 đến ngày 6-9 (giờ địa phương); tuyến đường sắt cao tốc vòng quanh Hải Nam, taxi, xe buýt và các dịch vụ vận chuyển hành khách khác tại Hải Khẩu lần lượt bị tạm dừng trong tối 5-9.

A.Thư

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cang-minh-ung-pho-bao-so-3-196240905202956836.htm