Căng sức chống dịch tả lợn châu Phi

Trong tháng 5, dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh, các cấp, ngành triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Khó xác định nguồn lây nhiễm

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 20/5/2020, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 36 hộ của 13 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Văn Bàn, Bát Xát và Mường Khương, làm 162 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, khối lượng tiêu hủy 6,8 tấn.

Chị Bùi Thị Bé, thị trấn Bát Xát khử trùng chuồng nuôi sau khi có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chị Bùi Thị Bé, thị trấn Bát Xát khử trùng chuồng nuôi sau khi có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Xã Võ Lao (Văn Bàn) là nơi đầu tiên ghi nhận trường hợp có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện. Tuy nhiên, hộ có lợn nhiễm bệnh là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự chủ về con giống và không có lợn mắc bệnh trong đợt dịch năm 2019. Người chăn nuôi tại huyện này lo lắng bởi không xác định được nguồn lây nhiễm.

Tại huyện Bát Xát, điểm thứ 2 ghi nhận có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cũng hoang mang bởi không biết dịch bệnh từ đâu tới. Kinh tế gia đình chị Bùi Thị Bé, tổ dân phố 11, thị trấn Bát Xát chủ yếu phụ thuộc vào nấu rượu và nuôi lợn. Năm 2019, toàn bộ đàn lợn của gia đình chị buộc phải tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Do lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Bé để trống chuồng 1 năm, đến tháng 5/2020, chị mới đủ can đảm tái đầu tư nuôi lợn. Thế nhưng sau 15 ngày, 12 con lợn bắt đầu có dấu hiệu ốm. Vẫn chỉ nghĩ lợn bị cảm do nắng nóng, chị ra sức chăm sóc, bổ sung thuốc vào thức ăn, gọi cán bộ thú y đến tiêm phòng. Nhưng trong hơn 1 tuần, đàn lợn chết rải rác, chị mới báo cán bộ thú y đến kiểm tra.

Chị Bé nói: Rắc vôi, phun khử trùng, để trống chuồng cả 1 năm, thậm chí nhiều lần đổ bỗng rượu nóng, tưới nước sôi vào chuồng để làm sạch, diệt vi khuẩn, nên tôi không nghĩ lợn bị nhiễm bệnh dịch như năm trước. Con giống cũng mua trong huyện, giờ những con cùng đàn lợn giống vẫn khỏe mạnh, nên có lẽ không phải do con giống nhưng cũng chẳng biết nguồn lây bệnh từ đâu.

Khó xác định nguồn lây nhiễm, nên việc khoanh vùng, dập dịch cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Nhiều biện pháp chống dịch

Theo báo cáo của ngành chăn nuôi và thú y, nguyên nhân tái bùng phát dịch bệnh được xác định do người dân mua bán, vận chuyển lợn giống, phương tiện, dụng cụ (xe máy, lồng nhốt lợn con) nhiễm mầm bệnh từ các địa phương khác về làm phát sinh dịch bệnh. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, phối giống lợn trực tiếp làm dịch bệnh lây lan.

Khi xuất hiện dịch bệnh trên đia bàn, huyện Bát Xát và huyện Văn Bàn đã huy động lực lượng thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch, như tiêu hủy lợn bệnh; thành lập tổ, chốt kiểm soát dịch bệnh; tạm dừng giết mổ, kinh doanh thịt lợn, lợn giống tại các chợ, tụ điểm mua bán trên địa bàn các xã đã công bố dịch; thống kê đàn lợn, cam kết quản lý đàn lợn trên địa bàn; tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở...

Huyện Bảo Thắng có tổng đàn lợn lớn nhất của tỉnh với nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nên việc chống dịch đang vô cùng “nóng”. Tại Phú Nhuận (xã giáp với xã Võ Lao, huyện Văn Bàn), đã khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn dịch bệnh lây lan thông qua các tổ kiểm soát cơ động, họp thôn, bản khẩn cấp, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã.

Ngành chăn nuôi huyện Bảo Thắng cũng nhanh chóng tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các xã, thị trấn để phân tích tình hình, triển khai nhanh các phương án chống dịch. Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo, hướng dẫn người dân, các trang trại chăn nuôi thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp cách ly khi chăn nuôi. Công tác tiêm phòng, chăm sóc tốt cho đàn lợn nhằm tăng sức đề kháng cũng được thường xuyên thực hiện.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, tuy số hộ có dịch và số lợn tiêu hủy do mắc bệnh không nhiều, nhưng tình hình dịch tả lợn châu Phi trên cả nước đang diễn biến phức tạp. Nguy cơ dịch bệnh có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh theo 3 hướng: Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát tại các ổ dịch cũ; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn…

Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cần huy động cả hệ thống chính trị các cấp và người chăn nuôi vào cuộc, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch, thông tin kịp thời, chính xác theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tái đàn lợn; khuyến khích chăn nuôi lợn trang trại, tập trung, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với các xã có dịch phải khoanh vùng triệt để, tạm dừng việc tái đàn lợn, tạm dừng việc giết mổ, tiêu thụ lợn thịt, thịt lợn trong thời gian có dịch...

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/cang-suc-chong-dich-ta-lon-chau-phi-z3n20200604094252997.htm