Căng sức trong đợt triều cường lịch sử
Khi triều cường đạt đỉnh vào chiều tối 30/9, nhiều tuyến đường huyết mạch cửa ngõ và tại các quận, huyện vùng trũng tại TP Hồ Chí Minh như Bình Thạnh, Thủ Đức, Q.2, Q.4, Q.7, các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh… ngập sâu trong nước. Còn tại nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, triều cường cũng đã làm đảo lộn sinh hoạt của người dân.
Ì ạch các dự án chống ngập
Trong hai khung giờ 5-7 giờ sáng và 16-18 giờ chiều 30/9, nhiều lực lượng phối hợp của Q.8 (TP HCM) đã phải túc trực tại khu vực bến Mễ Cốc, nơi vừa xảy ra vỡ bờ bao vào đêm hôm trước do mực nước dâng cao. Dù nhiều bao cát được xếp chồng lên nhau và được gia cố bằng hai lớp, thế nhưng nước triều dâng vẫn tràn vào các khu dân cư lân cận. Cụ thể, khu vực cầu Kênh Ngang (số 3) mực nước ngập 40-50cm so với mặt đường Mễ Cốc; khu vực hẻm 124 Mễ Cốc chìm trong biển nước, nhiều phương tiện bị chết máy phải dắt bộ.
Tình hình tương tự tại khu vực bến Phú Định (Q.8) do nằm ven rạch sông lớn, trải dài nhiều km đã đặt các khu dân cư ven kênh vào tình trạng bị cô lập bởi biển nước. Nhiều phương tiện bị ngập đến nửa bánh xe, nhiều xe máy bị chết máy, hàng trăm học sinh phải lội nước đến trường. Đợt triều cường lịch sử này còn khiến hàng loạt khu vực ven sông, ven kênh rạch trên địa bàn Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức rơi vào cảnh ngập nặng. Tại Quận 9, nước tràn vào từ kênh rạch khiến Khu dân cư Nam Long (Q.9) chìm trong biển nước, hầu hết hoạt động di chuyển trong các tuyến đường nội bộ tại khu vực này bị đình trệ trong hai ngày (29, 30/9).
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường đã đạt mức 1,68-1,70 m tại trạm Phú An và Nhà Bè tính đến chiều 30/9, là mức triều lịch sử, cao hơn mức báo động 3 từ 0,15-0,2m. Dự báo, hôm nay ngày 1/10, triều cường sẽ tiếp tục dâng cao.
Việc ngập lụt tại TP HCM do triều cường lần này khiến người ta nhớ lại các dự án chống ngập từng triển khai nhưng không hiệu quả, thiếu rõ ràng khiến những dự án và đề xuất mới chưa được UBND thành phố xem xét. Điển hình là phương án chống ngập khu vực chân cầu Sài Gòn nối ra “điểm đen” về ngập úng (đường Nguyễn Hữu Cảnh) từ đề xuất của Công ty CP tập đoàn công nghiệp Quang Trung (viết tắt Công ty Quang Trung) đã bị UBND TP bác vào tháng 8 năm nay.
Đánh giá về đợt triều cường lịch sử này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, nguyên nhân ngoài kết cấu địa chất từ trước của các vùng trũng thì cũng một phần do quá trình thi công ì ạch của các dự án chống ngập và cải thiện môi trường nước của TP HCM, trong đó có dự án “treo” đến 10 năm chưa xong. Đáng lo ngại là triều cường khi xuất hiện mưa sẽ khiến phạm vi ngập sẽ mở rộng và sâu hơn, thời gian ngập có thể kéo dài.
Triều cường vẫn ở mức cao
Từ ngày 28/9 đến nay triều cường bất ngờ dâng cao đột ngột khiến nhiều nơi tại các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ bị ngập sâu.
Tuyến quốc lộ 1 A, đoạn qua xã Thuận An, thị xã Bình Minh và xã Tân Phú, huyện Tam Bình của Vĩnh Long chiều ngày 29 và 30/9, nước dâng cao so với mặt đường lên 50cm. Các phương tiện tham gia giao thông qua khu vực này phải di chuyển rất chậm nên thường xuyên bị tắc đường, nhiều xe gắn máy, ôtô 4 chỗ đi qua đoạn này bị ngập nước nên chết máy nằm dọc đường.
Ông Nguyễn Văn Thành- Cục trưởng Cục QLĐB IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, do triều cường kết hợp lũ nên hiện toàn miền Tây có 31 điểm ngập trên các tuyến quốc lộ như: QL53, QL54, QL30, QL1A.. Trong đó, tuyến quốc lộ 1A có nhiều điểm ngập nặng, nhất là đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Độ ngập trung bình từ 20cm đến 50cm.
Trong 2 ngày 29 và 30/9, mực nước triều cường trên sông Hậu dâng cao tới 2,14m kết hợp với trận mưa lớn chiều tối cùng khiến ngày nội ô TP Cần Thơ ngập sâu trong nước. Khu vực ngập nặng nhất là tuyến đường Mậu Thân, đoạn từ cầu Rạch Ngỗng 1 đến qua ngã tư Nguyễn Văn Cừ và Võ Văn Kiệt. Nước từ con rạch dưới chân cầu Rạch Ngỗng cuồn cuộn tràn lên mặt đường nhiều đoạn chảy xiết mạnh. Người dân phường An Hòa (quận Ninh Kiều) cho biết, mấy ngày qua cứ tầm 5 giờ sáng và 17 giờ chiều, nước lại ùn ùn kéo lên làm ngập đường rồi tràn vào nhà làm đảo lộn sinh hoạt. Khu vực Cồn Khương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) tối 29/9, một đoạn đê bao cặp sông Hậu bị vỡ với chiều dài gần 2m, nước chảy mạnh vào khu vực phía trong đê gây ngập cục bộ, có nơi sâu tới 1m. Người dân cho biết, nước tràn vào nhà thời điểm sâu nhất lên đến hơn 1m, ngập qua luôn cả giường ngủ. Ăn cơm cũng phải bì bõm trong nước. Người lớn phải nhường giường cho ông bà lớn tuổi và trẻ nhỏ ngủ.
Theo ông Nguyễn Quý Ninh - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, mực nước cao nhất đo được tại Trạm Thủy văn Cần Thơ là từ 2m,15 đến 2m,20. Trong sáng 30/9, mực nước thực đo tại Trạm Thủy văn Cần Thơ lên tới 2m25. Đây là mực nước cao nhất ghi nhận được tại Trạm Thủy văn Cần Thơ trong nhiều năm qua. Dự báo trong 3 ngày tới nước có thể sẽ xuống nhưng vẫn rất cao, người dân cần phải đề phòng…
Vẫn theo ông Ninh, ngày 30/9 là đỉnh của đợt triều cường này. Còn theo ThS Kỷ Quang Vinh- nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, thì những ngày qua TP Cần Thơ bị ngập sâu là do đỉnh lũ từ sông Mê Công di chuyển xuống hạ lưu gặp ngay đợt triều cường khá mạnh, do đó đã làm cho mực nước sông Hậu dâng lên một cách bất ngờ, đạt mức 2m25 vào ngày 30/9. “Nguyên nhân khiến cho TP Cần Thơ bị ngập sâu là do lún đất, nước biển dâng, nhiệt độ trung bình tăng cao… đẩy nước biển dâng lên kết hợp với lũ khiến thành phố bị ngập”- ông Vinh nói.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, mực nước đỉnh triều cường vùng hạ lưu sông Cửu Long sẽ còn lên chậm trong 1 - 2 ngày tới. Mực nước triều cao nhất có thể ra xảy ra vào ngày 1/10 khi nước lũ đầu nguồn đổ về kết hợp với triều cường. Tại Cần Thơ, mực nước sông Hậu có thể lên mức 2,15 - 2,17m.