Căng thẳng Azerbaijan - Armenia khiến quốc tế lo ngại
Quốc tế lo ngại động thái ngọn lửa căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Azerbaijan - Armenia có thể bùng nổ, dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện như từng xảy ra năm 2000.
Lực lượng vũ trang người gốc Armenia ở khu vực ly khai Karabakh tại Azerbaijan hôm nay (20/9) đã đồng ý với đề xuất của Nga về lệnh ngừng bắn, bắt đầu từ chiều nay (theo giờ địa phương).
Thông báo đưa ra trong bối cảnh quân đội Azerbaijan hôm qua đã phát động một chiến dịch quân sự mới tại Nagorno-Karabakh.
Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, chiến dịch quân sự tại Nagorno-Karabakh là nhằm phản ứng trước “cuộc tấn công khủng bố” xảy ra trước đó sáng cùng ngày khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có 2 dân thường và 4 sĩ quan cảnh sát Azerbaijan.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan đồng thời cho biết, nước này đang hành động để "khôi phục trật tự hiến pháp của Cộng hòa Azerbaijan" và dân thường được tự do rời đi qua các hành lang nhân đạo, bao gồm cả một hành lang đến Armenia.
Chính phủ Armenia đã chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Azerbaijan, gọi đây là một nỗ lực khác của quốc gia láng giềng nhằm buộc người sắc tộc Armenia rời khỏi Nagorno-Karabakh. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian cũng ngay lập tức triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia và cho biết đang yêu cầu sự giúp đỡ của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) mà Armenia là một thành viên và cộng đồng quốc tế.
Nagorno-Karabakh là một khu vực miền núi ở khu vực Nam Kavkaz đầy biến động, từng nằm ở vị trí trung tâm của hai cuộc chiến, gần nhất là cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào cuối năm 2020, khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng. Azerbaijan và Armenia không duy trì quan hệ ngoại giao và những diễn biến đáng lo ngại tại Nagorno-Karabakh có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa hai nước. Một cuộc xung đột nóng ở Nagorno-Karabakh có thể làm thay đổi sự cân bằng địa chính trị ở Nam Kavkaz - nơi có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt, đồng thời là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken chỉ trích những động thái quân sự này chỉ làm xấu hơn nữa tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Nagorno-Karabakh, trong khi chính phủ Nga kêu gọi tất cả các bên ngừng giao tranh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi thực sự lo ngại về sự leo thang căng thẳng mạnh mẽ giữa Azerbaijan và Armenia. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho dân thường Nagorno-Karabakh và hối thúc các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo điều này. Nga đang liên lạc với cả Armenia và Azerbaijan và nỗ lực đưa họ trở lại con đường chính trị và ngoại giao. Cơ sở duy nhất cho điều này là thỏa thuận ba bên được ký kết cách đây 3 năm giữa Nga, Armenia và Azerbaijan”.
Liên minh châu Âu (EU), Pháp và Đức cũng lên án các động thái quân sự tại Nagorno-Karabakh, kêu gọi các bên quay lại đàm phán về tương lai vùng lãnh thổ này. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến họp khẩn về tình hình Nagorno-Karabakh trong vài ngày tới.
Phát biểu từ trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York - Mỹ, nơi đang diễn ra Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hối thúc các bên chấm dứt ngay lập tức giao tranh, giảm leo thang và tôn trọng chặt chẽ hơn lệnh ngừng bắn năm 2020 cũng như các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế.