Căng thẳng Azerbaijan - Armenia leo thang và nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột mới
Liên quan đến tình hình căng thẳng tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, Bộ Quốc phòng Azerbaijan xác nhận đã đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn với các lực lượng Armenia. Các lực lượng Armenia ở Karabakh đã đồng ý bàn giao tất cả vũ khí, thiết bị hạng nặng cho quân đội Azerbaijan.
Trước đó, trong nỗ lực buộc khu vực ly khai Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát phải khuất phục bằng vũ lực, Azerbaijan đã quyết định tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh tới đây, làm dấy lên nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới với nước láng giềng Armenia.
CĂNG THẲNG AZERBAIJAN – ARMENIA LEO THANG
Ngày 19/9, Azerbaijan tuyên bố tiến hành “các biện pháp chống khủng bố” nhằm vào vùng Nagorno-Karabakh để “ngăn chặn các hành động khiêu khích quy mô lớn” từ phía Armenia.
Tuy nhiên, Armenia phủ nhận việc triển khai quân đội đến Nagorno-Karabakh và cáo buộc Azerbaijan đang cố gắng thực hiện "thanh lọc sắc tộc" ở khu vực này.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết các lực lượng quân đội nước này cho đến nay đã chiếm giữ hơn 60 cứ điểm quân sự và phá hủy tới 20 phương tiện chiến đấu cùng một số hạ tầng khác của đối phương. Về phần mình, chính quyền ly khai Karabakh cho biết ít nhất 25 người đã thiệt mạng, trong đó có 2 dân thường và 138 người bị thương do hành động quân sự của Baku.
NGUY CƠ XẢY RA MỘT CUỘC XUNG ĐỘT MỚI
Trước khi Azerbaijan và Armenia đạt được lệnh ngừng bắn, Nga đã lên tiếng kêu gọi ngừng các hoạt động quân sự ngay lập tức, nhấn mạnh động thái này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Karabakh.
Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng kêu gọi Azerbaijan chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự tại Nagorno-Karabakh.
Hiện vẫn chưa rõ động thái quân sự của Baku có gây ra xung đột toàn diện kéo dài ở Armenia hay không. Giới quan sát cho rằng mục đích của Azerbaijan là khép lại một chương thù địch và đối đầu, bởi Azerbaijan không muốn tiếp tục có những lực lượng vũ trang như vậy trên lãnh thổ, thách thức an ninh và chủ quyền của mình.
Trong khi đó, đã có những dấu hiệu về sự sụp đổ chính trị ở Yerevan, thủ đô của Armenia, khi hàng trăm người biểu tình trước tòa nhà chính phủ Armenia kêu gọi đảo chính, cáo buộc lãnh đạo đất nước và cá nhân Thủ tướng Nikol Pashinyan cùng các chính sách của họ đã dẫn đến tình hình hiện tại ở Nagorno - Karabakh.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!