Căng thẳng chính trị tràn vào sân cỏ World Cup 2022
Kỳ World Cup đầu tiên ở Trung Đông trở thành nơi thể hiện những căng thẳng chính trị gay gắt ở một trong những khu vực dễ biến động nhất thế giới và vai trò mơ hồ của nước chủ nhà Qatar trong các cuộc khủng hoảng.
Các trận đấu của Iran thể hiện căng thẳng chính trị mạnh nhất, khi người hâm mộ ủng hộ mạnh mẽ phong trào biểu tình trong nước. Những căng thẳng này gây khó cho chủ nhà về ngoại giao, vì Qatar vẫn có quan hệ tốt với Tehran.
Sự đồng cảm với số phận người dân Palestine cũng thể hiện trên khán đài khi 4 đội Ả-rập thi đấu. Các cầu thủ Qatar đeo băng tay ủng hộ Palestine, dù Qatar vẫn cho phép người hâm mộ Israel bay thẳng đến đây, lần đầu tiên từ trước đến nay.
Ngay cả Tiểu vương Qatar cũng có hành động mang ý nghĩa chính trị, khi ông tặng một lá cờ Saudi sau chiến thắng lịch sử trước đội tuyển Argentina, gửi gắm thông điệp của đến quốc gia mà ông đang hàn gắn quan hệ.
Những cử chỉ đó càng làm tăng tính chính trị của một kỳ World Cup vốn đã có nhiều tranh cãi trước khi bắt đầu, nhất là chuyện đối xử với công nhân nhập cư và quyền của cộng đồng LGBT+ ở quốc gia cấm tình dục đồng giới.
Qatar hy vọng rằng kỳ World Cup diễn ra suôn sẻ sẽ củng cố vai trò của nước chủ nhà trên vũ đài thế giới và ở Trung Đông, nơi Qatar đã vượt qua rất nhiều biến động ở khu vực từ khi giành độc lập năm 1971.
Trở thành nước Trung Đông đầu tiên đăng cai World Cup, Qatar đôi khi bị coi là lạc lõng. Nước này tiếp đón tổ chức Hồi giáo Hamas của Palestine nhưng cũng có một số quan hệ thương mại với Israel.
Qatar cũng đón những người bất đồng Hồi giáo bị Ả-rập Xê-út coi là mối đe dọa, trong khi vẫn kết bạn với Iran - kẻ thù của Riyadh, và cho Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất ở khu vực.
Nỗ lực cân bằng
Căng thẳng ở Iran, bùng lên từ hơn 2 tháng trước vì cái chết của cô gái 22 tuổi Mahsa Aminin thể hiện cả ở trong và ngoài sân cỏ.
“Chúng tôi muốn đến World Cup để ủng hộ người dân Iran vì chúng tôi biết đây là cơ hội lớn để lên tiếng vì họ”, Shayan Khosravani, một người Mỹ gốc Iran, nói với Reuters. Khosravani cho biết anh định cùng vợ con về Iran thăm gia đình sau World Cup, nhưng phải hủy kế hoạch vì tình hình biểu tình.
Một số người cho biết lực lượng bảo vệ an ninh của sân vận động ngăn họ thể hiện ủng hộ với người biểu tình Iran. Trước trận đấu hôm 25/11 giữa Iran với xứ Wales, đội an ninh từ chối cho người hâm mộ mang cờ Iran trước cách mạng Hồi giáo và mặc áo phông in khẩu hiệu ủng hộ phụ nữ Iran vào sân.
Sau trận đấu đã xảy ra căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ và phản đối chính phủ Iran.
Một quan chức Qatar cho biết các biện pháp an ninh đã được bổ sung trong những trận đấu liên quan đến Iran.
Khi được hỏi về việc tịch thu tài liệu hay bắt giữ người hâm mộ, phát ngôn viên của ban tổ chức nhắc đến danh sách các vật dụng bị cấm mang vào sân mà FIFA và Qatar đã công bố trước đó, trong đó có “các thông điệp phân biệt, công kích và chính trị”.
Kristian Coates Ulrichsen, một nhà khoa học chính trị tại Viện Baker thuộc ĐH Rice (Mỹ), nói rằng giải đấu “phức tạp vì hàng thập kỷ cạnh tranh chính trị sau Mùa xuân Ả-rập”.
Theo chuyên gia này, giới chức Qatar đã “nỗ lực cân bằng” trong vấn đề liên quan đến Iran và Palestine, nhưng cuối cùng, giải đấu “một lần nữa đặt Qatar vào trung tâm của ngoại giao khu vực”.