Căng thẳng công nghệ với Trung Quốc leo thang khiến các đồng minh của Mỹ quan ngại

Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã biết lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc, song nhiều nước trong số họ cũng không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh này

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris, 2 ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống Mỹ tiếp theo (Ảnh: Nikkei Asia)

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris, 2 ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống Mỹ tiếp theo (Ảnh: Nikkei Asia)

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng việc thổi bùng ngọn lửa cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc có nguy cơ gây mất lòng các đồng minh của nước này, mặc dù vấn đề này vẫn là ưu tiên của chính quyền Mỹ trong giai đoạn tiếp theo.

Những lời cảnh báo trên được đưa ra tại diễn đàn của Viện Chính sách Công nghệ ở Aspen, Colorado, nơi các nhà hoạch định chính sách công nghệ của Mỹ tập trung để tranh luận về việc các quy định về công nghệ có thể bị ảnh hưởng như thế nào nếu ông Donald Trump hoặc bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống.

Mặc dù việc giám sát chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc nhận được sự đồng thuận của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, nhưng các đồng minh của Washington có thể sẽ không muốn chọn phe trong cuộc chiến giữa các siêu cường, theo bà Jennifer Bachus, Phó trợ lý Ngoại trưởng tại Cục Chính sách Không gian mạng và Kỹ thuật số thuộc Bộ Ngoại giao.

 Bà Jennifer Bachus, phó trợ lý ngoại trưởng tại Cục Chính sách Không gian mạng và Kỹ thuật số thuộc Bộ Ngoại giao (Ảnh: Google)

Bà Jennifer Bachus, phó trợ lý ngoại trưởng tại Cục Chính sách Không gian mạng và Kỹ thuật số thuộc Bộ Ngoại giao (Ảnh: Google)

"Nếu chúng ta chống lại Trung Quốc, thực tế là chúng ta sẽ đánh mất phần lớn thế giới", bà Bachus phát biểu trong một cuộc thảo luận.

Bà Bachus nói thêm: "Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã biết lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc, song nhiều nước trong số họ cũng không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh này".

Được biết, các quan chức chính phủ, học giả và lãnh đạo ngành công nghệ Mỹ hàng năm thường tụ họp tại thị trấn nghỉ dưỡng Aspen ở Colorado để tranh luận về các vấn đề chính tác động đến ngành công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo (AI), cho đến viễn thông và mạng xã hội.

Diễn đàn năm nay sẽ thảo luận về việc chính quyền Harris hoặc Trump sẽ thay đổi bối cảnh quản trị công nghệ và cả các phương pháp mà vị Tổng thống mới sẽ xử lý những căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc.

Bà Bachus cho biết: "Chúng ta đều thấy rằng hầu hết các quốc gia đều có tầm nhìn tích cực về Internet, về cách công nghệ thực sự tạo ra sự thịnh vượng kinh tế, cách công nghệ tạo ra việc làm và cách công nghệ giúp giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững".

Bà nói thêm rằng chủ đề về Trung Quốc thường xuất hiện trong các cuộc thảo luận của Washington với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Tuy nhiên, bà cho rằng Mỹ nên thận trọng về cách truyền đạt thông điệp "bài trừ Trung Quốc" tới các nước khác. Một số quốc gia có thể nhìn nhận vấn đề này là "quá thù địch" với Bắc Kinh, ngay cả khi họ hiểu được sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng.

Một số nhà lập pháp Mỹ cho biết tại diễn đàn Aspen rằng bất chấp thái độ cứng rắn có thể khiến các quốc gia khác lo ngại, việc chống lại mối đe dọa công nghệ tiềm tàng từ Trung Quốc vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền và Quốc hội trong giai đoạn tiếp theo.

"An ninh quốc gia là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi, đặc biệt là khi nói đến các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để củng cố các công ty của mình, nhưng cũng giải quyết các mối đe dọa có thể xảy ra", John Lin, cố vấn cấp cao của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ, cho biết.

Jamie Susskind, giám đốc lập pháp cho Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn của Tennessee, cho biết chính quyền Trump sẽ tập trung nhiều hơn vào mối đe dọa từ công nghệ Trung Quốc đối với an ninh quốc gia so với chính quyền do Harris lãnh đạo.

Mặc dù có chung mối quan ngại về Trung Quốc, bà Harris và ông Trump lại có tầm nhìn khác nhau, bao gồm các vấn đề chống độc quyền của Big Tech và liệu TikTok, một nền tảng video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, có nên bị cấm hoạt động tại Mỹ hay không. Mặc dù là người đứng sau nỗ lực ban đầu nhằm cấm ứng dụng này vào năm 2020, ông Trump đã thay đổi thái độ hoàn toàn và cho biết hiện ông phản đối động thái này.

Cả bà Harris, ông Trump và Tổng thống Biden, người đã ký dự luật bán hoặc cấm TikTok vào tháng 4, đều có tài khoản hoạt động trên ứng dụng mạng xã hội phổ biến này.

Ông Jamie Susskind cho biết: "Tôi nghĩ rằng TikTok là một trường hợp độc nhất, việc thông qua dự luật cấm TikTok không có nghĩa là sẽ có điều luật tương tự nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc được Quốc hội khóa tới thông qua".

Trong khi đó, Thomas Hazlett, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Clemson, đặt câu hỏi tại sao chính phủ lại chỉ trích TikTok trong khi vẫn còn đó các nền tảng hoặc công ty nước ngoài khác cũng có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Hơn nữa, ông cho biết lệnh cấm có thể vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của người dùng.

Theo Nikkei Asia

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cang-thang-cong-nghe-voi-trung-quoc-leo-thang-khien-cac-dong-minh-cua-my-quan-ngai-post177635.html