Căng thẳng EU-Belarus: Nhân tố mới trong câu chuyện cũ

Nga đang trở thành nhân tố mới trong căng thẳng EU-Belarus. Phản ứng của các bên liên quan sau hành động vừa qua của Minsk là minh chứng cho điều đó. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.

Căng thẳng EU-Belarus một lần nữa nóng trở lại sau khi ngày 23/5, Belarus bắt giữ ông Roman Protasevich, một nhà hoạt động bị nước này truy nã sau biểu tình quy mô lớn về bầu cử hồi năm ngoái. Nhân vật này cũng đã sáng lập một kênh Telegram mà Minsk coi là mang tư tưởng cực đoan quá khích.

Máy bay Airbus 737, số hiệu 4978 của RyanAir bay tới Vilnus (Lithuania) bị buộc phải hạ cánh ở Minsk (Belarus) do “quan ngại về việc bị đánh bom”. (Nguồn: EFE)

Điều đáng chú ý nằm ở hành động của chính quyền ông Lukashenko nhằm bắt giữ nhân vật này. Theo Lithuania, máy bay chiến đấu SU-29 và trực thăng MI-24 của Belarus đã áp sát, buộc máy bay của hãng hàng không RyanAir (Ireland) số 4978, với 170 hành khách và phi hành đoàn từ 12 nước, phải hạ cánh tại Minsk, thay vì sân bay quốc tế Vilnus ở Lithuania như dự kiến do “quan ngại về việc bị đánh bom”.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh, ông Protasevich đã bị bắt giữ. Theo một số nguồn tin, nhân vật này có thể sẽ bị tuyên án 12 năm tù do có hành động khủng bố.

“Chưa có tiền lệ và gây sốc”

Các nước phương Tây đã chỉ trích gay gắt hành động này táo bạo này.

Bộ Ngoại giao Lithuania đã triệu Đại biện lâm thời Belarus, yêu cầu lập tức trả tự do cho máy bay RyanAir, khẳng định sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận tại Thượng đỉnh EU ngày 24/5 tới. Ít lâu sau, máy bay này đã được phép rời khỏi sân bay quốc tế Minsk và hạ cánh tại Vilnus như dự kiến.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích Minsk đã có “hành động khủng bố nhà nước”, yêu cầu trả tự do cho ông Protasevich và nhiều nhà hoạt động khác. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh động thái của Belarus là “chưa có tiền lệ và gây sốc”.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định sẽ có hậu quả rõ ràng từ EU và lãnh đạo các nước EU sẽ thảo luận về vấn đề này tại thượng đỉnh sắp tới. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng đã đến lúc EU đưa ra một phản ứng mạnh mẽ, thống nhất về hành động không thể chấp nhận của phía Belarus.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng hành động của Belarus “gây nguy hiểm tính mạng” cho 120 hành khách, bao gồm công dân Mỹ và yêu cầu Minsk lập tức trả tự do cho ông Protasevich.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, việc máy bay hãng RyanAir bị ép hạ cánh tại Minsk là “nghiêm trọng và nguy hiểm” và cần mở một cuộc điều tra quốc tế. Trong khi đó, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng Belarus có thể đã vi phạm Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế ký năm 1944.

Chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hứng chịu chỉ trích của dư luận quốc tế sau khi buộc máy bay RyanAir hạ cánh để bắt giữ ông Protasevich. (Nguồn: EPA)

Chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hứng chịu chỉ trích của dư luận quốc tế sau khi buộc máy bay RyanAir hạ cánh để bắt giữ ông Protasevich. (Nguồn: EPA)

Chuyện cũ, nhân tố mới

Có ba điều đáng chú ý trong câu chuyện này. Thú vị thay, cả ba đều liên quan đến Nga.

Thứ nhất, hành động của Belarus không chỉ nhằm bắt giữ nhà hoạt động Protasevich, mà dường như còn muốn thử Nga trước thềm cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, dự kiến diễn ra vài ngày tới.

Thời gian qua, Nga liên tục chịu sức ép đến từ Mỹ và EU thông qua các lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế. Bối cảnh này đã ít nhiều củng cố vai trò đồng minh, đối tác của Minsk trong chiến lược của Moscow.

Động thái táo bạo chỉ vài ngày trước thềm cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước là cách Belarus thăm dò thái độ, sự ủng hộ của Nga với chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko.

Thứ hai, Moscow, đồng minh thân thiết nhất của Minsk, chưa có phản ứng trước vụ việc trên. Không loại trừ khả năng Nga đang theo dõi thái độ Belarus lẫn phương Tây trước khi có phản ứng.

Tuy nhiên, theo New York Times, một số nhân vật có tiếng nói ở Nga đã lên tiếng ủng hộ hành động của Belarus. Bà Magarita Simonyan, biên tập viên Đài Truyền hình RT (Nga) đã gọi đây là một “hành động tuyệt vời” của ông Lukashenko.

Nghị sỹ Vyacheslav Lysakov, người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, mô tả việc bắt giữ ông Protasevich là “chiến dịch đặc biệt thông minh”.

Trong bối cảnh Minsk là đồng minh chiến lược quan trọng, Moscow có thể sẽ duy trì lập trường ủng hộ quốc gia Đông Âu một cách chừng mực cho đến khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ vài ngày tới.

Thứ ba, thái độ gay gắt của châu Âu với hành vi của Belarus sẽ không dừng ở đây. Quan hệ EU-Belarus trở nên căng thẳng sau khi EU trừng phạt chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko sau cuộc bầu cử Tổng thống tranh cãi hồi tháng 8/2020 và đối đầu chính trị kéo dài sau đó.

Sau khi Minsk bắt giữ ông Protasevich, nhiều khả năng EU và phương Tây sẽ tăng cường trừng phạt. Tuy nhiên, mục tiêu trong chiến dịch cấm vận lần này không chỉ là Belarus.

Atlantic Council nhận định rằng trừng phạt Minsk sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Moscow. Nguồn tin ẩn danh từ Reuters cho biết cấm vận đã khiến hai tập đoàn dầu mỏ và khí đốt lớn của Nga là Rosneft và Surgutneftegaz phải cân nhắc lại việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu Naftan của Belarus.

Xuất khẩu năng lượng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Nga. Tấn công vào lĩnh vực này thông qua cấm vận đồng minh, đối tác thân cận của Moscow có thể gây tổn hại doanh thu của tập đoàn dầu khí xứ bạch dương, tác động tới quyết sách chính trị của Nga.

Trong bối cảnh quan hệ Nga-EU vẫn căng thẳng sau hàng loạt lệnh trừng phạt và trục xuất các nhà ngoại giao, Brussels hoàn toàn có thể “mạnh tay” hơn với Minsk lẫn Moscow tại Thượng đỉnh EU ngày 24/5 tới.

Quan hệ EU-Belarus vẫn âm ỉ sau tháng 8 qua và vụ việc vừa rồi đã thổi bùng lên ngọn lửa ấy, nhưng với chất xúc tác mới là Nga. Chuyện cũ, nhân tố mới là vậy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-eu-belarus-nhan-to-moi-trong-cau-chuyen-cu-146207.html