Căng thẳng EU-Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan nói về 'cánh cửa cơ hội' trong quan hệ với Brussels
Ankara mong muốn bước sang một trang mới trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Đây là tuyên bố mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc điện đàm ngày 18/12 giữa hai nhà lãnh đạo cho biết: “Tổng thống Erdogan trong cuộc gặp sáng nay khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn mở ra một trang mới trong quan hệ với EU, khi ông cảm ơn (Thủ tướng) Merkel vì những đóng góp và nỗ lực mang tính xây dựng của bà dành cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU”.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng hiện có một “cánh cửa cơ hội” mới để tăng cường quan hệ giữa nước này với EU.
Tuy nhiên, một số nước đang “cố gắng gây ra một cuộc khủng hoảng”, vốn sẽ hủy hoại “chương trình nghị sự tích cực này”.
Tổng thống Erdogan đồng thời kêu gọi cập nhật thỏa thuận năm 2016, theo đó Ankara đóng vai trò "vùng đệm an toàn" để giảm số người di cư từ Trung Đông - Bắc Phi sang châu Âu, đổi lại là khoản hỗ trợ tài chính từ Brussels, mà theo ông sẽ là "chìa khóa cho một chương trình nghị sự tích cực”.
EU thông báo đã giải ngân toàn bộ 6 tỷ Euro cho Thổ Nhĩ Kỳ theo như cam kết trong thỏa thuận.
Căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ lại leo thang sau khi tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tuần trước, lãnh đạo các nước EU nhất trí chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các hoạt động khoan thăm dò của Ankara ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối động thái mà nước này cho là "không công bằng" và "bất hợp pháp" của EU khi lập một danh sách công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị Brussels áp đặt lệnh trừng phạt liên quan tới các hoạt động trên.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ cử một tàu thăm dò và nhiều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nhiều tháng qua của Athens cũng như các nước EU. Các nước Pháp, Hy Lạp và Cyprus đã liên tục kêu gọi EU có biện pháp mạnh hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nhiều nước khác lại có cách tiếp cận mềm mỏng hơn do lo ngại căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Địa Trung Hải đổ về châu Âu.
Trong khi đó, là một ứng cử viên gia nhập EU, bất đồng mới nảy sinh càng gây khó khăn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán về gia nhập "ngôi nhà chung châu Âu".
(theo Anadolu Agency, TTXVN)