Căng thẳng gia tăng ở EU do giá ngũ cốc của Ukraine quá rẻ
Ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), khiến nông dân biểu tình, chính phủ một số nước ban hành lệnh cấm, gây căng thẳng tại liên minh này.
Theo hãng tin AP, nông dân ở thành phố Ruse của Bulgaria đã chặn các cửa khẩu biên giới chính với Romania vào tuần trước. Họ dùng máy kéo để ngăn các xe tải đi qua cây cầu bắc qua sông Danube.
Với các biểu ngữ có nội dung “Chấm dứt nạn diệt chủng nông nghiệp” và “Chúng tôi muốn cạnh tranh”, nông dân Bulgaria cho biết họ vẫn chưa bán được khoảng 40% vụ mùa từ năm ngoái, chủ yếu là ngũ cốc và hạt hướng dương. Hàng tồn kho có nghĩa là họ không có chỗ chứa cho vụ thu hoạch năm nay.
Nông dân ở Ba Lan cũng biểu tình vì vấn đề này. Họ nói giá ngũ cốc giảm do một lượng lớn nông sản Ukraine đổ vào mà lẽ ra lượng sản phẩm này phải tới châu Phi và Trung Đông.
Tại Romania, khoảng 100 nông dân đã tập trung ở thủ đô Bucharest, hàng trăm người khác đã lái máy kéo biểu tình khắp nước này.
Trước đó, một số quốc gia trong khu vực như Ba Lan, Hungary và Bulgaria đã đề nghị giúp trung chuyển ngũ cốc Ukraine tới các thị trường thứ ba sau khi tuyến đường bình thường bị chặn trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. EU đã miễn thuế hải quan và hạn ngạch nhập khẩu để hỗ trợ quá trình vận chuyển ngũ cốc tới những nơi cần.
Tuy nhiên, nông dân ở các quốc gia trung chuyển này nói rằng mọi việc không diễn ra như kế hoạch. Thay vì được chuyển tới các nước thứ ba như ở châu Phi và Trung Đông, số ngũ cốc Ukraine lại xuất hiện ồ ạt trên thị trường các nước trung chuyển. Tình trạng này khiến giá ngũ cốc giảm và gây thiệt hại lớn cho nông dân các nước này khi họ phải trả chi phí phân bón và năng lượng cao.
Các cuộc biểu tình ở nói trên đang gây áp lực ngày càng tăng cho lãnh đạo các quốc gia này và EU. Một số nông dân thậm chí còn đề nghị ngừng nhập khẩu nông sản Ukraine.
Bà Daniela Dimitrova, một lãnh đạo khu vực của nghiệp đoàn nhà sản xuất ngũ cốc Bulgaria, nói với hãng tin AP: “Chúng tôi đoàn kết với châu Âu và ủng hộ họ hỗ trợ Ukraine, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) nên xem xét từng quốc gia thành viên riêng lẻ và giúp cho nông dân có thể cạnh tranh”.
Nông dân ở Bulgaria trồng hạt hướng dương, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, nói rằng họ không thể cạnh tranh với làn sóng hàng hóa Ukraine ồ ạt tràn ngập thị trường. Gần đây, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Bulgaria, ông Todor Dzhikov, vào năm 2021, Bulgaria nhập 20.000 tấn hoa hướng dương từ Ukraine. Tới năm 2022, con số này là gần 900.000 tấn, dẫn đến giá trên thị trường nội địa giảm gần 50%.
Khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, các cảng Biển Đen của Ukraine bị ảnh hưởng, khiến nước này không thể xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm khác bằng đường biển. Do đó, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đã bị mắc kẹt ở Ukraine vào năm 2022. Sau khi có thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, ngũ cốc Ukraine mới được chuyển ra khỏi nước này, nhưng lại gây ra tình trạng trên ở một số quốc gia.
Dưới áp lực của nông dân, chính phủ Ba Lan ngày 15/4 đã tuyên bố cấm nhập khẩu ngũ cốc và hàng chục mặt hàng nông sản khác của Ukraine cho đến hết ngày 30/6. Ngay sau đó, Hungary cũng áp đặt lệnh cấm tương tự.
Động thái của hai nước này đã khiến EU chỉ trích. Ngày 16/4, EC tuyên bố các hành động đơn phương liên quan đến thương mại của từng quốc gia thành viên EU là không thể chấp nhận được. EC đã yêu cầu Ba Lan và Hungary thông báo kế hoạch cấm nhập khẩu ngũ cốc và các nông sản khác từ Ukraine. Theo EC, các quốc gia thành viên EU cần phối hợp với các cơ quan của EU khi đưa ra quyết định như vậy, đồng thời EC cũng lưu ý rằng các vấn đề thương mại thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Ngày 17/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy cho biết nước này sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ nông dân của mình khỏi sự gián đoạn thị trường do hoạt động nhập khẩu ngũ cốc khối lượng lớn từ Ukraine, đồng thời nói rằng việc EU có hành động phản ứng chung là không thể tránh khỏi.
Về phần mình, ngày 15/4, Bộ Chính sách Nông nghiệp và Lương thực - Thực phẩm Ukraine cho hay Kiev gọi quyết định của chính phủ Ba Lan cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Ukraine, bao gồm cả hàng quá cảnh sang những quốc gia khác, là vi phạm các thỏa thuận đã ký kết trước đó. Bộ này đề nghị trong những ngày tới sẽ thống nhất với phía Ba Lan về bản ghi nhớ mới, có tính đến lợi ích của cả hai bên trên tinh thần hợp tác mang tính xây dựng. Bộ này cũng bày tỏ hy vọng văn kiện này sẽ điều chỉnh hợp lý vấn đề quá cảnh các sản phẩm nông nghiệp qua lãnh thổ Ba Lan.