Căng thẳng gia tăng sau vụ tấn công ở Saudi Arabia
Iran ngày 20-9 vẫn tiếp tục bác bỏ liên quan vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Saudi Arabia, đồng thời cảnh báo Mỹ rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ châm ngòi cho một 'cuộc chiến tổng lực' với sự đáp trả ngay lập tức từ Tehran.
Iran ngày 20-9 vẫn tiếp tục bác bỏ liên quan vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Saudi Arabia, đồng thời cảnh báo Mỹ rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến tổng lực” với sự đáp trả ngay lập tức từ Tehran.
Cho đến nay, dù chưa ngã ngũ việc ai là chủ mưu đứng sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Aramco ở Saudi Arabia, nhưng mọi nghi ngờ đều tập trung về Iran, một động thái càng làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ chiến tranh quân sự giữa Tehran với Washington và các đồng minh ở Trung Đông của Mỹ.
Nguy cơ chiến tranh với Iran
Cho đến nay, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy những nỗ lực tránh chiến tranh quân sự với Iran, nhưng Lầu Năm Góc ngày 20-9 vẫn trình ông chủ Nhà Trắng một loạt lựa chọn quân sự chống Iran, nhằm đáp trả điều mà các quan chức chính quyền Washington cho là một cuộc tấn công chưa từng có của Tehran nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ Saudi Arabia.
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, trong cuộc họp tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump được đệ trình một danh sách các mục tiêu không kích tiềm năng bên trong lãnh thổ Iran, trong số các phản ứng khác có thể, và ông cũng sẽ được cảnh báo, hành động quân sự chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran có thể leo thang chiến tranh. Cuộc họp an ninh quốc gia lần này là cơ hội đầu tiên cho quyết định về cách thức Mỹ nên ứng phó với cuộc tấn công nhằm vào một đồng minh chủ chốt ở Trung Đông. Bất kỳ quyết định nào cũng có thể phụ thuộc vào loại bằng chứng mà các nhà điều tra của Mỹ và Saudi Arabia đưa ra để chứng minh, cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái nhằm vào cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia là do Iran gây ra, như một số quan chức, trong đó có cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã khẳng định.
Trong khi đó, Saudi Arabia cũng đang để ngỏ mọi khả năng đáp trả Iran. Đại sứ Saudi Arabia tại Đức Faisal bin Farhan al-Saud tuyên bố, mọi phương án đều đang được cân nhắc.Trả lời đài phát thanh Deutschlandfunk của Đức khi được hỏi về khả năng diễn ra một cuộc tấn công quân sự chống lại Iran, Đại sứ Faisal bin Farhan al-Saud nói: “Dĩ nhiên, mọi phương án đều đang được cân nhắc, nhưng cần phải thảo luận kỹ càng”. Trước đó, Riyadh cũng trưng bày các mảnh vỡ của cái mà Riyadh mô tả là máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Iran được sử dụng trong vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, cho rằng đây là bằng chứng “không thể chối cãi” về hành động gây hấn của quốc gia Hồi giáo.
Iran cảnh báo các nước không nên gây hấn
Phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn tại Yemen đã thừa nhận đứng sau các vụ tấn công hôm 14-9, nhưng Mỹ tuyên bố các vụ tấn công này liên quan đến những tên lửa hành trình được phóng từ Iran.
Tehran ngày 20-9 vẫn tiếp tục bác bỏ liên quan vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Saudi Arabia, đồng thời cảnh báo Mỹ, bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến tổng lực” với sự đáp trả ngay lập tức từ quốc gia Hồi giáo này. “Những kẻ thù của Iran sẽ hối tiếc về bất kỳ sự gây hấn nào nhằm vào nước này”, Đô đốc Iran Habibollah Sayyari tuyên bố. Hãng thông tấn Sinh viên Iran (ISNA) dẫn lời sĩ quan quân đội cấp cao trên nêu rõ: “Kẻ thù sẽ hoàn toàn nhận thức được sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Iran và hiểu rằng sẽ hối tiếc nếu có bất kỳ sự gây hấn nào”. Tehran thậm chí nói rằng, Tổng thống Trump có thể bị lừa gây chiến tranh với Iran. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, những cáo buộc của Mỹ cùng các đồng minh rằng, các vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu chủ chốt của Saudi Arabia là “hành động chiến tranh” có thể nhằm mục đích lừa dối ông Trump tham gia cuộc chiến chống lại Tehran.
Trên tài khoản Twitter, ông Zarif viết: “Hành động chiến tranh hoặc châm ngòi chiến tranh của Nhóm B (những đồng minh đầy tham vọng) cố tình lừa Tổng thống Trump tham chiến”. Ông Zarif từng coi Nhóm B nói trên, bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, có thể lôi kéo Tổng thống Mỹ vào cuộc xung đột với Tehran.