Căng thẳng gia tăng trên biên giới Trung - Ấn

Sau những vụ đụng độ đẫm máu trong đêm 16-6 giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng biên giới Himalaya khiến khoảng 20 binh sĩ thiệt mạng, cả hai đang cố gắng giải tỏa căng thẳng trong bối cảnh hàng ngàn người Ấn Độ xuống đường kêu gọi chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn.

Sau những vụ đụng độ đẫm máu trong đêm 16-6 giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng biên giới Himalaya khiến khoảng 20 binh sĩ thiệt mạng, cả hai đang cố gắng giải tỏa căng thẳng trong bối cảnh hàng ngàn người Ấn Độ xuống đường kêu gọi chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn.

LHQ và Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết bằng phương thức hòa bình.

Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Trung Quốc tại thành phố Ahmedabad vào ngày 16-6.

Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Trung Quốc tại thành phố Ahmedabad vào ngày 16-6.

Cáo buộc lẫn nhau

Tờ ANI dẫn các nguồn tin cho biết, ít nhất 20 lính Lục quân Ấn Độ đã thiệt mạng, gồm 3 người chết tại chỗ và 17 người chết do bị thương nặng cùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong cuộc đối đầu bạo lực đêm 15-6 với Trung Quốc.

Cũng theo ANI, số thương vong bên phía Trung Quốc là 43, nhưng Bắc Kinh im lặng về con số này. Theo các nguồn tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ xác nhận có thương vong sau đụng độ nhưng không nói rõ con số. Trong khi đó, một biên tập viên của Global Times viết trên Twitter rằng việc Trung Quốc không công bố con số thương vong là dấu hiệu “thiện chí từ Bắc Kinh”. “Theo tôi, chính phủ Trung Quốc không muốn người dân hai nước so sánh con số thương vong để tránh gây kích động số đông”. Theo tờ India Today, các cơ quan tình báo Ấn Độ vẫn đang đánh giá các trao đổi liên lạc của phía Trung Quốc để đánh giá chính xác thương vong.

Theo các thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào ban đêm với vũ khí chính là đá và gậy gộc có đinh, tại Thung lũng Galwan ở khu vực Aksai Chin-Ladakh đang tranh chấp. Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới trong vòng hơn 40 năm qua. Cả Trung, Ấn đều cáo buộc nhau khiêu khích trước và vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai nước hồi đầu tháng này. Trong đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ, nguyên nhân vụ việc là do động thái từ các binh sĩ Trung Quốc nhằm “đơn phương thay đổi” hiện trạng, trong khi hai bên đang tìm cách giảm căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava khẳng định, cả hai bên đều hứng chịu tổn thất trong cuộc đối đầu bạo lực và phía Trung Quốc đã không thực hiện sự đồng thuận về việc tôn trọng Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại thung lũng Galwan.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cáo buộc binh lính Ấn Độ xâm phạm biên giới và “tấn công binh sĩ Trung Quốc”, đồng thời kêu gọi New Delhi quay trở lại bàn đối thoại để giải quyết bất đồng giữa hai bên. Theo đó, quân đội Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ dừng ngay lập tức mọi hành động xâm phạm, cũng như những hành động khiêu khích chống lại Trung Quốc. Phản ứng trước động thái mới nhất giữa Ấn Độ-Trung Quốc, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng hai nước giải quyết các bất đồng một cách hòa bình.

Áp lực trên vai Thủ tướng Ấn Độ

Căng thẳng đã gia tăng ở dãy Himalaya dọc theo một trong những biên giới đất liền dài nhất thế giới kể từ tháng trước, với cả New Delhi và Bắc Kinh đều cáo buộc bên kia vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC). Và vụ đụng độ mới nhất này làm gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cách giải quyết vụ việc.

Viết trên Twitter ngày 17-6, Rahul Gandhi, một nhà lãnh đạo cấp cao trong Đảng Quốc đại đối lập chính của Ấn Độ, đã hỏi: “Tại sao Thủ tướng im lặng? Tại sao ông ta lại trốn? Đủ rồi. Chúng ta cần biết chuyện gì đã xảy ra” và nhấn mạnh thêm “Vì sao Trung Quốc dám giết lính của chúng ta? Sao họ dám lấy đất của chúng ta”. Đây là cuộc khủng hoảng mới nhất đối với Thủ tướng Modi, người đang phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội về cách xử lý đại dịch Covid-19, đã lây nhiễm hơn 354.000 người trên khắp đất nước và giết chết gần 12.000 người. Nhiều bang ở Ấn Độ đã mở rộng lệnh phong tỏa khi nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát.

CNN dẫn lời chuyên gia Alyssa Ayres cho rằng, Ấn Độ đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu trước đó nhưng trở nên tồi tệ hơn do dịch bệnh và cả những vấn đề biên giới sống với ba quốc gia: Pakistan, Trung Quốc và Nepal.

Khó xảy ra xung đột?

Bất chấp đụng độ nguy hiểm, các chuyên gia cho rằng, khó có khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang lớn hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông Harsh V Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức nghiên cứu nhà quan sát (ORF) ở New Delhi cho rằng, cuộc đụng độ này rất bất ngờ bởi hai bên đang đàm phán nghiêm túc về việc rút quân. “Rõ ràng đang có một cuộc khủng hoảng trên biên giới, nhưng hai bên đang cố gắng giải quyết tình hình”, ông cho biết. Trong khi đó, bà Kelsey Broderick, chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group khẳng định, với việc hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận sẽ rất khó để thúc đẩy những biện pháp giảm thiểu căng thẳng đã được nhất trí từ trước. Tuy nhiên, theo bà, vụ đụng độ lần này dù gây nhiều thương vong nhưng không bùng phát thành cuộc xung đột lớn hơn. Đó là một tín hiệu tích cực rằng các cấp cao hơn của hai nước không muốn thổi bùng bất cứ một kiểu chiến tranh nào.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_226635_cang-thang-gia-tang-tren-bien-gioi-trung-an.aspx