Căng thẳng gia tăng và thế lưỡng nan về an ninh ở sườn phía Đông NATO

Sự gia tăng hiện diện của NATO tại Ba Lan và các quốc gia Baltic, cùng với khoản viện trợ quân sự trị giá 2 tỷ USD từ Mỹ cho Ba Lan, đã tạo ra một bức tranh phức tạp về quốc phòng trong khu vực. Các bước đi của Ba Lan, NATO và EU nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn xung đột lan rộng, nhưng cũng nêu bật xu hướng leo thang nguy hiểm.

Binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan, ngày 4/3/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Korzeniewo, miền Bắc Ba Lan, ngày 4/3/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo nhận định của Huseyin Ozdemir, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thế giới TRT có trụ sở tại Istanbul, với hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/7, hiệp ước an ninh mới giữa Ba Lan và Ukraine, cùng với gói viện trợ quân sự trị giá 2 tỷ USD từ Mỹ cho Ba Lan, đang tạo ra một bức tranh quốc phòng phức tạp ở Đông Âu. Đồng thời, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tại Belarus, trùng với một hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây, đang làm tăng thêm sự phức tạp cho tình hình địa chính trị của khu vực. Những diễn biến này đặt ra câu hỏi quan trọng: liệu cuộc xung ở Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến rộng lớn hơn bao trùm toàn bộ lục địa này hay không?

Rủi ro an ninh ở Đông Âu

Sự hiện diện gia tăng của NATO ở Đông Âu, đặc biệt là tại Ba Lan và các quốc gia Baltic, tạo ra một nghịch lý rõ ràng. Trên lý thuyết, điều này nhằm ngăn chặn hành động tiềm tàng từ Nga, nhưng Moskva lại coi đó là một hành động khiêu khích. Ba Lan đang nỗ lực tăng cường an ninh bằng cách đánh chặn tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga trên không phận Ukraine. Tuy nhiên, động thái này cũng đồng thời đặt Ba Lan vào thế dễ bị tổn thương. Việc huấn luyện binh sĩ Ukraine cũng làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Ukraine, nhưng có khả năng khiến Ba Lan trở thành mục tiêu trả đũa của Nga.

Trong khi đó, khoản viện trợ quân sự trị giá 2 tỷ USD của Mỹ cho Ba Lan không chỉ là một biện pháp hỗ trợ về mặt quân sự, mà còn là tín hiệu cho thấy Washington cam kết củng cố sườn phía Đông của NATO. Khoản viện trợ này được thiết kế để hiện đại hóa năng lực quân sự của Ba Lan, bề ngoài là để chuẩn bị cho các mối đe dọa tiềm tàng. Tuy nhiên, nó cũng báo hiệu với Nga rằng NATO đang mở rộng về phía Đông và sẵn sàng cho bất kỳ cuộc xung đột nào.

Sự sẵn sàng của Ba Lan cho một cuộc xung đột toàn diện đã trở thành mối quan ngại cấp bách, được nhấn mạnh bởi tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Ba Lan, Tướng Wieslaw Kukula. "Hôm nay, chúng ta cần chuẩn bị lực lượng cho cuộc xung đột toàn diện, chứ không phải là cuộc xung đột bất đối xứng. Điều này buộc chúng ta phải tìm ra sự cân bằng tốt giữa nhiệm vụ biên giới và duy trì cường độ huấn luyện trong quân đội", ông Kukula nói.

Cùng với đó, Warsaw đã tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 4% GDP để ứng phó với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kể từ tháng 2/2022, Ba Lan đã cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine, bao gồm xe tăng, máy bay chiến đấu, trực thăng, hệ thống pháo binh và hệ thống tên lửa phòng không trị giá hơn 4,4 tỷ USD.

Trong bối cảnh Ba Lan nỗ lực tăng cường phòng thủ và quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc với Ukraine, trọng tâm chiến lược của NATO trong việc củng cố sườn phía Đông trở nên cấp bách trong bối cảnh căng thẳng khu vực, vốn càng trở nên phức tạp hơn do các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc gần biên giới NATO.

Cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc với Belarus sát biên giới phía Đông của NATO, diễn ra cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh NATO về Ukraine, phát đi một cảnh báo từ Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Đây là cuộc tập trận đầu tiên như vậy kể từ cuộc xung đột ở Ukraine năm 2022, làm dấy lên mối lo ngại trong số các thành viên Baltic của NATO.

Hành động này cũng làm phức tạp thêm bối cảnh an ninh vốn đã mong manh, nơi các hành động không cố ý có thể gây ra những kết quả không mong muốn. Thời điểm và địa điểm của cuộc tập trận này được lựa chọn một cách chiến lược để truyền tải một thông điệp chính trị, làm nổi bật mục đích vượt ra ngoài nhiệm vụ huấn luyện quân sự đơn thuần, như các nhà phân tích gợi ý.

Kelly Grieco thuộc nhóm nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung tâm Stimson nói với AFP: "Các cuộc tập trận đa phương thường được sử dụng để gửi đi các tín hiệu chính trị". Bà Grieco chỉ ra rằng Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chống khủng bố ở Belarus 4 lần trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018, nhưng không thực hiện thêm lần nào nữa kể từ đó.

Về phần mình, Alice Ekman, nhà phân tích cấp cao về châu Á tại Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh Châu Âu (EUISS), giải thích thêm rằng Trung Quốc cáo buộc NATO đang nỗ lực kiềm chế họ theo sự lôi kéo của Mỹ, trong khi Bắc Kinh lo ngại về vai trò ngày càng mở rộng của liên minh này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh những lời chỉ trích ngày càng gia tăng từ liên minh xuyên Đại Tây Dương nhắm vào Bắc Kinh, sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc tập trận với Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, đóng vai trò như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sức mạnh quân sự và sự sẵn sàng ứng phó nếu cần thiết của nước này.

Ông Ozdemir lưu ý, các nước EU giáp biên giới với Nga đều là thành viên NATO, và Nga không muốn thấy chiến tranh lan rộng đến các biên giới này. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Nga là quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc chiến như vậy xét về năng lực sản xuất quân sự. Tầm quan trọng của Điều 5 của NATO nằm ở khả năng răn đe trước khi đưa vào thực hiện; việc thử nghiệm sẽ là một rủi ro lớn cho cả hai bên và gây ra hậu quả tàn khốc cho thế giới. Đó là lý do tại sao cả hai bên đều thận trọng trong khi thực hiện các bước đi của mình.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder, cũng đã giải thích lập trường của Mỹ về việc hạn chế Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa ở Nga, nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn những hậu quả không mong muốn và sự leo thang có thể đẩy xung đột ra ngoài biên giới Ukraine.

Khi châu Âu chuẩn bị cho những leo thang tiềm tàng, ranh giới giữa một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực và sự tham gia rộng hơn của châu Âu ngày càng trở nên mờ nhạt. Các bước đi của Ba Lan, NATO và EU nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn giao tranh lan rộng, nhưng chúng cũng nêu bật một xu hướng leo thang nguy hiểm.

Do đó, ông Ozdemir kết luận, châu Âu phải thận trọng điều hướng tình hình phức tạp và bất ổn này, đảm bảo rằng các hành động của mình không vô tình dẫn đến xung đột lan rộng mà họ muốn tránh. Điều cần thiết là phải nêu rõ hậu quả tiềm tàng của mỗi động thái chiến lược, đảm bảo rằng các hành động được thực hiện ngày hôm nay không vô tình làm gia tăng căng thẳng vào ngày mai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Anadolu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/cang-thang-gia-tang-va-the-luong-nan-ve-an-ninh-o-suon-phia-dong-nato-20240729235159074.htm