Căng thẳng giữa Apple - Epic Games lại leo thang
Epic Games ngày 6/3 cho hay công ty công nghệ Apple đã chấm dứt tài khoản nhà phát triển của studio sản xuất trò chơi điện tử này, đánh dấu sự leo thang mới nhất trong bất đồng gay gắt giữa các công ty về phí cửa hàng ứng dụng do nhà sản xuất iPhone ấn định.
Phía Epic Games cho biết họ dự định sử dụng tài khoản nhà phát triển để đưa cửa hàng trực tuyến của họ - Epic Games Store và trò chơi Fortnite lên các thiết bị chạy hệ điều hành iOS của Apple ở châu Âu.
Thông báo của Epic Games cho biết: “Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và cho thấy Apple không có ý định cho phép cạnh tranh thực sự trên các thiết bị iOS”.
Nhà phát triển tựa games đình đám Fortnite cũng cáo buộc rằng bằng cách chấm dứt tài khoản nhà phát triển của Epic Games, Apple đã loại bỏ một trong những đối thủ cạnh tranh tiềm năng lớn nhất đối với Apple App Store.
Những diễn biến trên xảy ra sau khi Apple công bố kế hoạch cho phép cài đặt các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba trên iOS ở Liên minh châu Âu (EU), trước khi DMA sẽ có hiệu lực từ tuần này (ngày 7/3 theo giờ địa phương).
Epic Games hồi tháng Hai đã nhanh chóng công bố kế hoạch ra mắt một cửa hàng riêng trên iOS và khởi chạy lại Fortnite trên hệ điều hành này, sau khi bị Apple loại bỏ khỏi Apps Store vào năm 2020. Họ thông báo đã bảo đảm được tài khoản nhà phát triển cho Epic Games chi nhánh Thụy Điển vào ngày 16/2, đảo ngược lệnh cấm mà Apple thực hiện cùng với việc loại bỏ Fortnite cách đây hơn ba năm. Tuy nhiên, tình hình lại không như dự kiến của công ty.
Mặc dù việc Apple chấm dứt tài khoản nhà phát triển ảnh hưởng đến kế hoạch ra mắt cửa hàng ứng dụng riêng trên iOS của Epic Games, Giám đốc điều hành (CEO) Tim Sweeney đã đề xuất rằng công ty vẫn có thể đưa Fortnite trở lại iOS thông qua cửa hàng ứng dụng bên thứ ba của một công ty khác ở EU.
Trong khi đó, EU ngày 4/3 phạt 1,8 tỷ euro (1,95 tỷ USD) đối với Apple vì vi phạm luật chống độc quyền của EU khi ngăn chặn ứng dụng nghe nhạc Spotify và các dịch vụ âm nhạc phát trực tiếp khác bằng cách không thông báo cho người dùng các tùy chọn thanh toán ngoài kho ứng dụng App Store của Apple.
Cơ quan thực thi cạnh tranh của EU cho biết những biện pháp hạn chế của Apple cấu thành những điều kiện giao dịch không công bằng. Đây là một cách lập luận tương đối mới trong một vụ án chống độc quyền song cũng đã được cơ quan chống độc quyền của Hà Lan đưa ra trong quyết định đối với Apple vào năm 2021, liên quan vụ án mà bên khiếu nại là các nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò.
Cơ quan thực thi cạnh tranh của EU nêu rõ họ đã bổ sung thêm tổng số tiền phạt 1,8 tỷ euro vào số tiền phạt cơ bản như một biện pháp ngăn chặn đối với Apple và vì một phần đáng kể thiệt hại do động thái mà Apple gây ra là phi tiền tệ. Nhưng cơ quan này không tiết lộ cụ thể mức tiền phạt cơ bản.
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề chống độc quyền Margrethe Vestager nhấn mạnh, trong một thập kỷ, Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trên thị trường phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông qua App Store. Họ hạn chế các nhà phát triển thông báo tới người dùng về những dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn sẵn có bên ngoài hệ sinh thái Apple. Theo quy định của EU, điều này là bất hợp pháp.
Quan chức trên cũng đã yêu cầu Apple gỡ bỏ các hạn chế trên App Store, lặp lại yêu cầu tương tự theo Đạo luật DMA của EU mà tập đoàn này phải tuân thủ kể từ ngày 7/3.
Apple đã phản đối quyết định trên, cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định mà không có bằng chứng đáng tin cậy nào về tác hại đối với người tiêu dùng, đồng thời bỏ qua thực tế của một thị trường đang phát triển nhanh, mạnh mẽ và đầy tính cạnh tranh. Tập đoàn này tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án.
Quyết định của EC được kích hoạt kể từ một khiếu nại vào năm 2019 của dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify (Thụy Điển) về vấn đề chặn ứng dụng nghe nhạc này tiếp cận với người dùng và phí App Store 30% của Apple.
Hiện Apple cũng đang tìm cách giải quyết một cuộc điều tra chống độc quyền khác của EU bằng cách đề nghị mở hệ thống thanh toán di động tap-and-go của tập đoàn này cho các đối thủ. Các cơ quan quản lý của EU và người dùng có thể sẽ chấp nhận lời đề nghị này, theo đó Apple có thể tránh được việc bị xử phạt.
Theo nhận định của các chuyên gia, Apple đang đối mặt với việc nhu cầu tăng chậm và ngân hàng Barclays cảnh báo những rủi ro đối với bộ phận kinh doanh dịch vụ của Apple đang gia tăng, khi các nước như Mỹ đang xem xét các hoạt động của cửa hàng ứng dụng. Bộ phận kinh doanh dịch vụ thường có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với phân khúc phần cứng trong những năm gần đây và chiếm gần 1/4 doanh thu của Apple.
Trước đó, hồi tháng 12/2023, Epic Games, nhà sản xuất trò chơi "Fortnite", đã giành phần thắng trong vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google của Alphabet, với cáo buộc cửa hàng ứng dụng Play đã độc quyền trái quy định.
Theo phán quyết, bồi thẩm đoàn đứng về phía Epic sau hơn một tháng xét xử vụ kiện về việc Google đã có hành động để ngăn cản các đối thủ và áp phí cao đến 30% với các nhà phát triển ứng dụng.
Dù cửa hàng Play chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của Google so với công cụ tìm kiếm mang lại lợi nhuận lớn, cửa hàng này đóng vai trò người gác cổng đối với hàng tỷ điện thoại di động và máy tính bảng.