Căng thẳng giữa Israel và Palestine gia tăng: Diễn biến đáng lo ngại
Căng thẳng giữa Israel và Palestine đã tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây liên quan đến quần thể đền Al-Aqsa (còn gọi là Núi Đền) ở thành cổ Jerusalem. Diễn biến mới này khiến Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế lên tiếng bày tỏ quan ngại và một lần nữa cho thấy, tiến trình hòa bình nhằm giải quyết một trong những xung đột dai dẳng nhất tại Trung Đông vẫn đang bế tắc.
Lực lượng an ninh Israel tuần tra tại quần thể đền Al-Aqsa ở Jerusalem.
Quần thể Al-Aqsa ở Đông Jerusalem là một khu vực linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Israel đã chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh năm 1967, sau đó tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ nước này và coi đây là một phần thủ đô “không thể chia cắt” - một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Vào cuối tuần trước, ít nhất 1.300 người Do Thái đã đến thăm quần thể đền Al-Aqsa, mà cộng đồng Do Thái gọi là Núi Đền tại Đông Jerusalem nhân dịp lễ Tisha B'Av, bất chấp tình hình căng thẳng giữa người Palestine và cảnh sát Israel. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho phép người Do Thái tới thăm địa điểm tôn giáo nhạy cảm này.
Theo truyền thông Palestine, các cuộc đụng độ xảy ra vào ngày 18-7 sau khi lực lượng cảnh sát Israel ập vào quần thể đền Al-Aqsa đúng vào thời điểm diễn ra buổi cầu nguyện lúc bình minh của người Palestine. Lực lượng này sau đó đã bắn hơi cay và đạn cao su vào các tín đồ người Palestine để buộc họ phải rời đi, tạo điều kiện cho hàng trăm người định cư Do Thái tới thăm một trong những địa điểm tôn giáo nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Trong khi đó, Israel lại khẳng định rằng nhiều thanh niên Palestine đã ném đá vào lực lượng cảnh sát Israel nhằm phản đối người Do Thái tới đây hành lễ, buộc họ phải có biện pháp giải tán.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 19-7 đã cảnh báo về những căng thẳng mới tại khu thành cổ Jerusalem giữa người Do Thái và người Hồi giáo. Phó Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq cho biết, Tổng Thư ký đang theo dõi vụ việc với sự lo ngại về căng thẳng gia tăng trong và xung quanh các thánh địa ở thành cổ Jerusalem. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres nhấn mạnh, hiện trạng khu vực này phải được duy trì và tôn trọng hoàn toàn, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo cộng đồng, tôn giáo và chính trị của các bên tránh các hành động, lời lẽ khiêu khích, vì lợi ích của hòa bình và ổn định.
Trước những diễn biến tại Jerusalem, đại diện Liên minh châu Âu (EU) về Palestine, ông Sven Kuehn von Burgsdorff bày tỏ lo ngại trước căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine, kêu gọi hai bên tránh kích động và tôn trọng hiện trạng. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng đã ra tuyên bố lên án các hành động bạo lực ở quần thể đền Al-Aqsa và nhấn mạnh sự cần thiết của việc khôi phục tiến trình hòa đàm Israel - Palestine trên cơ sở các nghị quyết quốc tế và giải pháp hai nhà nước.
Một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine rơi vào bế tắc là việc chính quyền Israel coi Bờ Tây là vùng tranh chấp và xây dựng các khu định cư trái phép trên khắp Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem. Cách đây hơn 2 tháng, Israel tiến hành một loạt vụ không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự tại Dải Gaza để trả đũa vụ phóng tên lửa từ vùng lãnh thổ của Palestine. Nguyên nhân bùng phát bạo lực được cho là bắt nguồn từ việc người biểu tình Palestine phản đối Israel chiếm giữ quần thể đền Al-Aqsa và đuổi người Palestine ở Jerusalem ra khỏi nhà để xây khu định cư cho người Do Thái. Tình trạng leo thang căng thẳng chỉ tạm lắng sau một lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian hòa giải.
Trong khi khả năng bùng phát xung đột vẫn còn, những nỗ lực đối thoại, hòa giải nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông là động thái cần thiết để tìm ra giải pháp cho căng thẳng kéo dài, phức tạp trong quan hệ Israel - Palestine.