Căng thẳng Iran - Israel: Kinh tế thế giới đi về đâu
Căng thẳng Iran - Israel đang gây ra những quan ngại về tình trạng bất ổn trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là sự ổn định của thị trường tài chính và triển vọng kinh tế thế giới.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global mới đây đã giảm mức xếp hạng dài hạn của Israel từ mức AA- xuống mức A+, sau những động thái quân sự giữa nước này và Iran, khiến căng thẳng Iran - Israel gia tăng.
Căng thẳng Iran - Israel ảnh hưởng tăng trưởng khu vực Trung Đông
S&P Global dự đoán tổng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Israel sẽ tăng lên mức 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024, chủ yếu do chi tiêu cho quốc phòng tăng.
Triển vọng tiêu cực này phản ánh nguy cơ cuộc xung đột ở Trung Đông có thể leo thang hoặc ảnh hưởng đến nền kinh tế của Israel nhiều hơn so với dự đoán hiện tại của S&P Global.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2024, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Israel ra khỏi diện "theo dõi xếp hạng tiêu cực" và duy trì mức xếp hạng A+ đối với nước này, song lưu ý rằng xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza là một yếu tố rủi ro.
Hồi tháng 2/2024, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã giảm xếp hạng của Israel do những rủi ro xung đột.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định trong năm nay, các quốc gia ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp "tương tự như giai đoạn trước đại dịch COVID-19", trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng do cuộc xung đột ở Dải Gaza và các nền kinh tế trong khu vực thiếu cải cách cơ cấu.
Theo WB, GDP của MENA trong năm 2024 sẽ chỉ tăng 2,7%, cao hơn mức tăng 1,9% của năm 2023 nhưng thấp so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Dự báo, tăng trưởng GDP năm nay của các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu trong khu vực MENA sẽ đạt tốc độ chậm hơn so với năm 2022, thời điểm giá dầu cao hơn đã thúc đẩy đà tăng trưởng ở các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Trong khi đó, WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong năm 2024 xuống còn 2,8%, từ mức dự báo 3,6% được đưa ra trước đó.
Ngoài ra, WB điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng của GCC năm 2025 lên 4,7%, từ 3,8%, nhờ kỳ vọng về hoạt động mạnh mẽ của khu vực phi dầu mỏ và việc các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sẽ được giảm dần vào cuối năm nay.
Căng thẳng Iran - Israel ảnh hưởng ngành hàng không
Trước những diễn biến ở Trung Đông, hãng hàng không Qantas Airways cho biết đã tạm thời định tuyến lại các chuyến bay giữa Perth và London. Còn hãng hàng không Hainan Airlines cho biết đang theo dõi tình hình và đánh giá xem liệu các chuyến bay sắp tới đến Israel có thể được thực hiện bình thường hay không.
Về phần mình, hãng hàng không Air India đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv đến ngày 20/4. Bình thường, hãng này vận hành năm chuyến bay hàng tuần đến Tel Aviv. Theo Flightradar 24, nền tảng Internet cung cấp thông tin chuyến bay theo thời gian thực trên bản đồ Google Maps, IndiGo, hãng hàng không giá rẻ của Ấn Độ, đã thay đổi lộ trình bay với các chuyến bay hàng ngày từ Delhi và Mumbai đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), từ chỗ bay qua Iran như trước sang bay qua Trung Á, nhưng không có thông báo chính thức về sự thay đổi này.
Cùng trong cảnh ngộ trên, hãng hàng không Arkia của Israel cho biết đang điều chỉnh lịch trình bay sau khi đã hoãn các chuyến bay đến Athens (Hy Lạp), Milan (Italy) và Geneva (Thụy Sỹ). Tình trạng đóng cửa không phận các nước cũng đang ảnh hưởng đến một số chuyến bay của hãng hàng không Fly Dubai của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Căng thẳng Iran - Israel ảnh hưởng thị trường năng lượng
Trong phiên giao dịch ngày 19/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu tăng mạnh sau khi hãng tin ABC News của Mỹ đưa tin cho biết Israel có thể đã tấn công đáp trả vào lãnh thổ Iran, làm dấy lên lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu.
Vào lúc 10h sáng ngày 19/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI tại New York có thời điểm tăng hơn 4% lên hơn 86 USD/thùng. Mức giá sau đó giảm nhẹ, hiện giao dịch quanh ngưỡng 85 USD/thùng, tương đương mức tăng trên 3% so với giá đóng cửa ngày 18/4. Trong khi đó, giá dầu Brent tại London tăng hơn 3% lên mức hơn 90 USD/thùng.
Iran sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ và bất kỳ sự gián đoạn nào đối với khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu của nước này đều có thể đẩy giá lên mức cao hơn. Do đó, các thị trường đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến xung quanh eo biển Hormuz - nơi có 1/5 sản lượng dầu toàn cầu chảy qua hàng ngày.
Theo nhận định của Chủ tịch công ty dầu mỏ Lipow Oil, Andy Lipow, bất kỳ hành động quân sự nào hướng tới các cơ sở sản xuất hoặc xuất khẩu dầu ở Iran sẽ đẩy giá dầu thô Brent lên ngưỡng 100 USD/thùng và việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ khiến giá dao động trong khoảng 120-130 USD/thùng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Iran vẫn tiếp tục sản xuất gần 3,2 triệu thùng dầu/ngày. Iran đứng thứ 9 về sản lượng dầu thô trên toàn cầu trong năm 2023.
Các chuyên gia dự báo công suất sản xuất dự phòng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ sẽ đủ để giảm thiểu tác động nếu có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào từ phía Iran, với điều kiện nước sản xuất lớn là Saudi Arabia không bị cuốn vào xung đột và eo biển Hormuz, tuyến vận tải dầu trọng yếu, vẫn thông suốt.
Giới đầu tư hướng đến các tài sản trú ẩn an toàn
Ngoài năng lượng, nhiều thị trường khác cũng được dự báo sẽ chịu tác động lớn từ căng thẳng Iran - Israel. Giá vàng đã chạm mốc kỷ lục 2.431,29 USD/ounce vào thứ Sáu tuần trước, sau những cảnh báo về cuộc tấn công trả đũa của Iran, và tiếp tục duy trì xu hướng tăng vào đầu tuần này, khi nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn gia tăng.
Ông Derek Halpenny, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại MUFG cho biết, cho đến đầu tuần này, các loại tiền tệ trú ẩn an toàn như đồng USD, đồng franc Thụy Sĩ và yen Nhật vẫn chưa ghi nhận sự gia tăng nhu cầu sau vụ tấn công của Iran. Theo ông, sự không chắc chắn của tình hình hiện tại sẽ kiềm chế nhu cầu đổ tiền vào các tài sản trú ẩn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nhanh chóng nếu tình hình căng thẳng leo thang.
Trong khi đó, trên thị trường tiền kỹ thuật số, ngay sau khi cuộc tấn công của Iran xảy ra, giá bitcoin đã lao dốc mạnh, giảm hơn 10% từ khoảng 70.000 USD xuống còn 62.000 USD. Giá một số đồng tiền kỹ thuật số khác giảm tới hơn 15%. Thị trường sau đó đã phục hồi nhẹ, nhưng tính đến sáng thứ Ba (16/4), giá bitcoin vẫn giao dịch ở mức 63.500 USD.
Theo Fortune, sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư lựa chọn bán bitcoin – một tài sản rủi ro, để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như vàng, trái phiếu hay USD. Các chuyên gia dự đoán tiền kỹ thuật số có thể sẽ tiếp tục giảm, phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng ở Trung Đông có leo thang hơn nữa hay không.
Rủi ro gia tăng đối với kinh tế thế giới
Trong dài hạn, nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương, và đe dọa hoạt động thương mại toàn cầu.
Việc giá dầu tăng cao sẽ khiến quá trình kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương trở nên khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, việc lạm phát nóng trở lại sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn cắt giảm lãi suất. Việc lãi suất được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ có thể gây thiệt hại lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong một năm có nhiều cuộc bầu cử lớn.
Neil Shearing, Kinh tế trưởng của Capital Economics nhận định: "Quyết định của các ngân hàng trung ương có thể bị ảnh hưởng nếu giá năng lượng cao hơn bắt đầu tác động đến lạm phát cốt lõi. Các sự kiện ở Trung Đông sẽ tạo thêm lý do để Fed áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với việc cắt giảm lãi suất, dù không ngăn cản hoàn toàn việc nới lỏng chính sách tiền tệ".
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn tại châu Á thiên về xuất khẩu như Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang tỏ ra lo ngại về tác động tiêu cực mà những diễn biến tại Trung Đông có thể gây ra cho hoạt động thương mại.
Tại Ấn Độ, các chuyên gia lưu ý rằng xuất khẩu của nước này sang châu Âu sẽ đối mặt với nguy cơ gián đoạn do căng thẳng Iran – Israel gia tăng. Giới phân tích dự báo, rủi ro cao hơn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến châu Âu bằng đường hàng không. Khối lượng vận chuyển qua tuyến đường này có thể tăng từ 10-15%, kéo theo sự gia tăng chi phí hậu cần và bảo hiểm.
Các nhà xuất khẩu chè và gạo basmati của Ấn Độ hiện đang lo ngại căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hai mặt hàng quan trọng này. Iran hiện là khách hàng quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ, khi đã nhập khẩu lượng gạo trị giá 598 triệu USD trong 11 tháng đầu năm ngoái. Cả Israel và các quốc gia lân cận khác cũng đều là những quốc gia tiêu thụ gạo basmati hàng đầu. Do vậy, nếu xung đột lan rộng trong khu vực, xuất khẩu của Ấn Độ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Còn tại Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu mới đây cho biết, vào thời điểm môi trường ngoại thương của nước này đang chịu áp lực từ Mỹ và châu Âu cũng như căng thẳng địa chính trị toàn cầu, xung đột leo thang ở Trung Đông có nguy cơ làm phức tạp thêm bối cảnh thương mại. Với mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc, Trung Đông đang nổi lên như một thị trường thương mại tăng trưởng nhanh chóng đối với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Ảrập.
Nguyễn Đức (tổng hợp)