Căng thẳng Israel-Palestine: Các nước tìm cách 'hạ nhiệt' xung đột tại Dải Gaza
Ngoại trưởng Ai Cập điện đàm với người đồng cấp Saudi Arabia về xung đột Israel-Palestine, Ngoại trưởng Qatar gặp thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas, kêu gọi Israel chấm dứt cuộc tấn công vào Dải Gaza...
Ngày 15/5, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Ngoại trưởng nước này Sameh Shoukry đã điện đàm với người đồng cấp Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al-Saud về những diễn biến gần đây liên quan tới vấn đề giữa Israel-Palestine, đặc biệt là căng thẳng tại Dải Gaza.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez, hai Ngoại trưởng trao đổi quan điểm về các biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn xung đột leo thang giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập cũng chia sẻ về những nỗ lực của Cairo, trong đó có duy trì liên lạc với tất cả các bên liên quan nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Ai Cập và Saudi Arabia nhất trí tiếp tục phối hợp và tham vấn với các bên nhằm chấm dứt leo thang quân sự ở Dải Gaza, ngăn chặn tình hình diễn biến xấu thành một cuộc đối đầu toàn diện gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình khu vực.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết nối lại lộ trình hòa bình, hướng tới giải pháp hai nhà nước, duy trì quyền lợi chính đáng của người Palestine nhằm xây dựng nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.
Cùng ngày, Truyền thông nhà nước Qatar (QNA) đưa tin, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã gặp thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh, đồng thời kêu gọi Israel chấm dứt cuộc tấn công vào Dải Gaza.
Trong một tuyên bố do QNA đăng tải, Ngoại trưởng Al-Thani nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế phải hành động khẩn cấp để chấm dứt các cuộc tấn công liên tục của Israel nhằm vào dân thường ở Dải Gaza và đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Jerusalem)".
Ông Al-Thani cũng cam kết với nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh về sự ủng hộ của Qatar đối với "những người anh em Palestine".
Qatar, một quốc gia quan trọng ủng hộ phong trào Hamas, đã sử dụng lượng khí đốt tự nhiên dồi dào của mình để cung cấp viện trợ và các khoản vay cho Dải Gaza, vốn đang bị Israel phong tỏa, đồng thời đóng vai trò trung gian hòa giải với Israel.
QT.
(theo AFP)