Căng thẳng Israel - Palestine đe dọa ổn định khu vực
Israel thông báo áp dụng một số biện pháp an ninh mới sau khi xảy ra 2 vụ tấn công bằng súng ở Jerusalem khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương - một động thái mà phía Palestine cảnh báo có thể đe dọa an ninh và ổn định toàn khu vực.
Phản ứng mạnh mẽ
Trong số các biện pháp an ninh mới của Israel, có việc thành viên trong gia đình các đối tượng tham gia vụ tấn công sẽ bị tước một số quyền về an sinh xã hội. Ngoài ra, Hội đồng Bộ trưởng Israel cũng thảo luận về một dự luật nhằm tước quốc tịch Israel của thành viên những gia đình bị cáo buộc hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố. Dự luật cũng áp dụng với những người Palestine có quốc tịch Israel và người Palestine có quy chế thường trú nhân ở Đông Jerusalem. Trên mạng xã hội Twitter, cảnh sát Israel cho biết thủ phạm là 2 thanh niên Palestine 21 tuổi và 13 tuổi sống tại Đông Jerusalem. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các hung thủ thực hiện vụ tấn công một mình. Theo tờ Times of Israel, cảnh sát đã bắt giữ 42 đối tượng liên quan, trong đó có nhiều người thân và bạn bè của thủ phạm.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định sẽ “phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng”. Ông Netanyahu cho biết sẽ tìm cách gia tăng giấy phép sử dụng súng cho công dân để đối phó với các vụ tấn công đường phố, dù trước đó kêu gọi người Israel không “tự đòi công lý” bằng các hành động cực đoan nhắm vào người Arab.
Trong khi đó, phía Palestine tuyên bố Israel phải chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng hiện nay tại khu Bờ Tây và Jerusalem, xuất phát từ việc Isarel tiếp tục xây khu định cư, sáp nhập đất đai và phá hủy nhà cửa của người Palestine. Chính quyền Palestine nhấn mạnh các chính sách này “là hậu quả của sự vi phạm cam kết về thực hiện các thỏa thuận hòa bình đã ký và vi phạm các nghị quyết quốc tế”, đồng thời cảnh báo tình hình tiếp tục xấu đi có thể đe dọa an ninh và ổn định toàn khu vực.
Kêu gọi kiềm chế
Ngày 29-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường đến Ai Cập, bắt đầu chuyến công du khu vực Trung Đông - Bắc Phi nhằm sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để giảm căng thẳng Israel - Palestine. Ngoại trưởng Blinken hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi, trước khi tới Jerusalem và Ramallah, gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ai Cập kêu gọi các bên “tự kiềm chế tối đa” các hành vi gia tăng căng thẳng. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập lên án tất cả các hành động nhắm vào dân thường, đồng thời cảnh báo nguy cơ “rơi vào vòng luẩn quẩn của bạo lực làm xấu đi tình hình chính trị và nhân đạo, làm suy yếu các nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và mọi cơ hội khôi phục tiến trình hòa bình” Trung Đông giữa Palestine và Israel.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án những cuộc tấn công ở Jerusalem. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell tuyên bố: “EU công nhận những lo ngại an ninh chính đáng của Israel, song phải nhấn mạnh rằng vũ lực sát thương chỉ được sử dụng làm phương sách cuối cùng”. Đại diện EU nhấn mạnh cần khẩn trương đảo ngược vòng xoáy bạo lực này và khởi động lại tiến trình hòa đàm Israel - Palestine. Bộ Ngoại giao Đức cũng lên án vụ tấn công, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine đối thoại. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cảnh báo tình hình căng thẳng giữa Palestine và Israel sẽ leo thang hơn nữa sau vụ tấn công thánh giáo đường Do Thái ở Jerusalem.
7 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng súng tại một thánh đường Do Thái ở Jerusalem ngày 27-1 và 2 người khác bị thương trong một cuộc tấn công khác ở thành phố vào sáng 28-1.
Các vụ việc xảy ra sau khi 9 người Palestine thiệt mạng trong một chiến dịch vây ráp của quân đội Israel tại trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cang-thang-israel-palestine-de-doa-on-dinh-khu-vuc-post677005.html