Căng thẳng Jerusalem chưa hạ nhiệt, thế giới tìm giải pháp lâu dài
Đụng độ vẫn xảy ra tại khu đền thờ Al Aqsa tại Jerusalem; Israel hứng rocket từ Lebanon; 3 nước Arab tính giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột là những thông tin đáng chú ý liên quan đến những căng thẳng kéo dài 2 tuần qua tại Jerusalem.
Sáng 25/4, một quả rocket từ Lebanon đã được phóng sang một khu đất trống của Israel, khiến quân đội quốc gia này phải pháo kích để đáp trả.
Ông Aroldo Lazaro, người đứng đầu phái bộ Liên Hợp Quốc tại Lebanon đã kêu gọi các bên “bình tĩnh và kiềm chế” trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Căng thẳng tại biên giới Israel – Lebanon diễn ra sau các vụ đụng độ trong 2 tuần qua giữa người Palestine và cảnh sát Israel tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem, gây ra sự tức giận của người Hồi giáo và khiến quốc tế quan ngại. Vụ đụng độ mới nhất vào ngày cầu nguyện thứ 6 tuần trước, đã khiến 57 người bị thương.
Các nhóm vũ trang Palestines tại dải Gaza cũng đã phóng 2 quả tên lửa nhằm vào Israel liên quan đến những căng thẳng tại Al Aqsa. Đáp lại, Israel cũng đã nhiều lần không kích giải Gaza, sau một thời gian dài “yên tĩnh”.
Trước những căng thẳng tại đền Al Aqsa; quốc tế liên tiếp bày tỏ quan ngại, bao gồm cả những nước Arập có quan hệ với Israel. UAE cũng đã phải triệu Đại sứ Israel tới để phản đối.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid khẳng định, nước này đã luôn cam kết giữ nguyên trạng của điểm nóng linh thiêng ở Jerusalem. Ông Lapid nêu rõ, người Hồi giáo cầu nguyện trong khu đền Al Aqsa, còn tín đồ không phải người Hồi giáo chỉ được phép tới thăm quan… Điều đó chưa có gì thay đổi và sẽ không thay đổi. Israel không có kế hoạch chia tách Al Aqsa cho các tôn giáo khác nhau.
Còn theo Thủ tướng Israel Naftali Bennet, nếu Israel không thiết lập trật tự tại khu đền Al Aqsa, hàng chục nghìn người Hồi giáo sẽ không thể cầu nguyện tại đây trong tháng lễ Ramadan.
Ngày 24/4, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Israel cũng đã nhấn mạnh các nỗ lực của nước này để ngăn chặn bạo lực và kích động bạo lực tại Jerusalem. Đáng chú ý, trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận lời mời thăm Israel trong vài tháng tới; đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh số 1 tại Trung Đông.
Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Quốc vương Jordan Abdullah II và Thái tử Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al-Nahyan đã nhóm họp tại thủ đô Cairo, Ai Cập để bàn về một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine; cũng như sự phối hợp giữa 3 nước trong vấn đề này.
Lãnh đạo 3 nước Arab nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nguyên trạng pháp lý và lịch sử tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, kêu gọi các nỗ lực duy trì sự ổn định trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực này. Ai Cập, Jordan và UAE kêu gọi chấm dứt các động thái có thể hủy hoại giải pháp hai nhà nước, cũng như khuyến khích nối lại cuộc đàm phán nghiêm túc và hiệu quả để giải quyết căng thẳng Israel-Palestine trên cơ sở luật pháp quốc tế./.