Căng thẳng leo thang sau vụ cảnh sát ở Bắc Kosovo bị tấn công
Căng thẳng gia tăng ở miền Bắc Kosovo sau khi những kẻ tấn công không rõ danh tính đọ súng với cảnh sát và ném lựu đạn gây choáng vào các sĩ quan cảnh sát thuộc Liên minh châu Âu trong đêm.
Hàng trăm người mang sắc tộc Serbia vào sáng sớm chủ nhật 11-12 đã tập trung tại các rào chắn mà họ đã dựng lên vào ngày hôm trước, làm tê liệt giao thông tại 2 cửa khẩu biên giới từ Kosovo đến Serbia. Vài giờ sau khi rào chắn được dựng lên, cảnh sát Kosovo cho biết họ đã phải hứng chịu 3 cuộc tấn công liên tiếp vào tối 10-12 trên một trong những con đường dẫn đến biên giới. “Các đơn vị cảnh sát, để tự vệ đã buộc phải đáp trả bằng vũ khí đối với những người chống đối. Nhóm tội phạm đã bị đẩy lùi và bỏ đi theo một hướng không xác định”, cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.
Phái bộ Cảnh sát Liên minh châu Âu tại Kosovo (EULEX) cho biết, họ cũng bị nhắm làm mục tiêu bằng lựu đạn gây choáng, nhưng không có sĩ quan nào bị thương. “Cuộc tấn công này, cũng như các cuộc tấn công vào các sĩ quan cảnh sát Kosovo, là không thể chấp nhận được”, EULEX cho biết trong một thông cáo báo chí. EULEX, với khoảng 134 sĩ quan cảnh sát Ba Lan, Ý và Litva được triển khai ở phía Bắc Kosovo đã kêu gọi “những người chịu trách nhiệm kiềm chế các hành động khiêu khích hơn”, đồng thời cho biết họ thúc giục các tổ chức ở Kosovo “đưa thủ phạm ra trước công lý”.
Căng thẳng gia tăng sau khi Kosovo lên lịch bầu cử địa phương tại 4 đô thị có đa số người Serbia ở khu vực phía Bắc vào ngày 18-12. Đảng chính trị chính của người Serbia nói rằng họ sẽ tiến hành tẩy chay các cuộc bầu cử. Người ta cũng nghe thấy lác đác các vụ nổ vào đầu tuần này khi các cơ quan bầu cử cố gắng chuẩn bị mặt bằng cho cuộc bỏ phiếu, trong khi một cảnh sát sắc tộc Albania bị thương sau khi lực lượng thực thi pháp luật được triển khai trong khu vực.
Thủ tướng Kosovo Albin Kurti ra tuyên bố: “Các rào cản mà những kẻ đeo mặt nạ dựng lên ở phía Bắc phải được dỡ bỏ ngay lập tức”. Ông nói thêm rằng, chính phủ đã liên lạc với phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO, lực lượng có hơn 3.000 binh sĩ quanh khu vực.
Mặc dù Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng Belgrade không công nhận điều đó và khuyến khích cộng đồng người Serb ở phía Bắc Kosovo thách thức chính quyền Pristina. Các cuộc bỏ phiếu được tổ chức ở Bắc Mitrovica, Zubin Potok, Zvecan và Leposavic sau khi đại diện sắc tộc Serb từ chức vào tháng 11 để phản đối quyết định của chính phủ Kosovo cấm biển số xe do Serbia cấp. Các nhà lập pháp, công tố viên và cảnh sát Serb cũng từ bỏ các chức vụ trong chính quyền địa phương.
Để xoa dịu căng thẳng, Kosovo hôm 10-12 đã quyết định hoãn cuộc bầu cử sau khi Tổng thống Vjosa Osmani tham vấn và quyết định tổ chức bỏ phiếu ở các thành phố phía Bắc vào ngày 23-4-2023. Các Đại sứ quán của Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh và Mỹ cùng với văn phòng EU tại địa phương - hoan nghênh việc hoãn bầu cử này, coi đây là một “quyết định mang tính xây dựng” nhằm “nâng cao nỗ lực thúc đẩy một tình hình an toàn hơn ở phía Bắc”.
Mặc dù vậy, không khí thù địch vẫn còn cao, với việc Serbia và Kosovo tăng cường “khẩu chiến”. “Chúng tôi không muốn xung đột. Chúng tôi muốn hòa bình và tiến bộ, nhưng chúng tôi sẽ đáp trả sự xâm lược bằng tất cả sức mạnh của mình”, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti đăng trên mạng xã hội. “Hãy để tôi nói rõ: Cộng hòa Kosovo sẽ tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ và dứt khoát”.
Về phần mình, hôm 10-12, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, ông sẽ chính thức yêu cầu NATO cho phép triển khai quân đội Serbia ở phía Bắc Kosovo, trong khi thừa nhận điều này khó có thể được chấp thuận. Một động thái như vậy có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng vốn đã lên cao.