Căng thẳng leo thang với Mỹ, Tư lệnh Iran cảnh báo 'lạnh gáy' về tàu sân bay trên biển
Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami vừa ra tuyên bố về sức mạnh tên lửa của nước này, gửi thông điệp 'lạnh gáy' đến các tàu sân bay trong khu vực.
Căng thẳng giữa Tehran và Washington đang ở mức đỉnh điểm sau khi Mỹ cáo buộc Iran phải chịu trách nhiệm vụ tấn công hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman cũng như việc Tehran tuyên bố về việc đẩy mạnh hoạt động làm giàu uranium. Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Donald Trump ngày 18/6 khẳng định Mỹ sẵn sàng đối phó với Iran. Phát biểu với các phóng viên, ông Trump nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với Iran. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra".
Về phía Tehran, hãng Sputnik (Nga) đưa tin trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 18/6, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami tuyên bố tên lửa đạn đạo của nước này có thể dễ dàng đánh trúng các tàu sân bay trên vùng biển khu vực.
Ông Salami tự tin công nghệ tên lửa do Iran tự phát triển đã thay đổi thế cân bằng quyền lực ở Trung Đông. “Chúng có thể đánh trúng tàu sân bay trên biển với độ chính xác cao. Chúng được sản xuất trong nước và khó bị đánh chặn hoặc tiêu diệt bởi các loại tên lửa khác”, Tư lệnh IRGC khẳng định song không nêu cụ thể tên loại tên lửa này.
Đầu tháng 5, Mỹ đã triển khai nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln đến Vịnh Ba Tư và đưa phi đội ném bom chiến lược B-52 cùng nhiều khẩu đội phòng không Patriot đến căn cứ ở Trung Đông. Mỹ cho biết động thái trên được đưa ra sau khi nhận tin tức tình báo rằng Iran đang chuẩn bị lên kế hoạch tấn công các mục tiêu Mỹ. Sau đó, Washington nối lại vòng trừng phạt khắc khổ nhằm vào Tehran.
Tuyên bố “lạnh gáy” của ông Hossein Salami là động thái mới nhất nhằm khẳng định sức mạnh quân sự của nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuần trước, Tư lệnh Lực lượng phòng không Iran “cảnh báo quân địch” hãy tránh xa biên giới Iran nhất có thể.
Cũng trong ngày 18/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ tiếp tục “chiến dịch gây sức ép” với Iran. Theo đó, Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố điều động thêm 1.000 quân tới Trung Đông để đối phó với điều mà Washington gọi là 'thái độ thù địch của Tehran". Ông Pompeo nhấn mạnh hoạt động triển khai này sẽ “thuyết phục chính quyền Hồi giáo Iran tin rằng chúng ta nghiêm túc và nhằm ngăn chặn họ”.
Trong những năm qua, Iran đã xây dựng được một kho tàng rộng lớn các công nghệ tên lửa trong nước, trong đó có tên lửa tầm xa Sayyad 2 và Sayyad-3 cùng hàng loạt tên lửa chống hạm, đất đối không khác. Hồi đầu năm, Tehran đã ra mắt tên lửa hành trình tầm trung hạng nặng Hoveyzeh tại một triển lãm quốc phòng. Vũ khí này được cho là có tầm bắn trên 1.350km, bao phủ phần lớn Trung Đông, đồng thời có quỹ đạo bay thấp dưới tầm quét của radar quân địch.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã leo đến đỉnh điểm trong tuần qua sau khi xảy ra một vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman ngày 13/6, ngay ngoài khơi Iran. Mỹ và các đồng minh trong khu vực ngay lập tức đổ lỗi, cáo buộc quốc gia này tấn công hai tàu nước ngoài. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Mỹ cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh là "vô căn cứ" và nằm trong chiến dịch "ngoại giao phá hoại". Phía Tehran bày tỏ nghi ngờ chính Mỹ đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu trên.
Đức, Pháp, Nhật Bản – các đồng minh lớn của Mỹ - cùng với Nga và Trung Quốc đã hối thúc các bên liên quan kiềm chế. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rquyết định triển khai thêm 1.000 binh sĩ đến Trung Đông của Mỹ có thể “mở hộp Pandora” với những hậu quả không thể lường trước được. Hộp Pandora mà ông Vương nhắc đến chính là chiếc hộp kỳ bí chứa bất hạnh, thiên tai, chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp.