Căng thẳng mới đe dọa mối quan hệ Canada - Ấn Độ
Sau cáo buộc liên quan đến vụ sát hại một công dân Canada gốc Ấn và là thủ lĩnh Phong trào ly khai Khalistan của người Sikh năm 2023, quan hệ Canada - Ấn Độ gia tăng nhiều diễn biến căng thẳng.
Vụ ám sát châm ngòi
Quan hệ Ấn Độ - Canada đã chạm mức thấp nhất sau nhiều động thái trả đũa lẫn nhau. Khởi nguồn từ cáo buộc gây chấn động của Canada về việc các đặc vụ Ấn Độ tham gia vụ ám sát Hardeep Singh Nijjar - một công dân Canada gốc Ấn và là thủ lĩnh Phong trào ly khai Khalistan của người Sikh tại Canada.
Tháng 6/2023, Nijjar, người từng bị Chính phủ Ấn Độ coi là "kẻ khủng bố" và bị sát hại gần Vancouver. Nijjar ủng hộ thiết lập một "nhà nước độc lập" gọi là Khalistan cho người Sikh từ các khu vực ở miền Bắc Ấn Độ và một phần Pakistan. Nijjar nhập cư Canada năm 1997 và trở thành công dân nước này năm 2015.
3 tháng sau vụ ám sát, ông Justin Trudeau - Thủ tướng Canada đã đưa ra "những cáo buộc đáng tin cậy" cho rằng Chính phủ Ấn Độ có liên quan đến cái chết của Nijjar, gây ra phản ứng mạnh mẽ và gay gắt từ phía New Delhi. Chính phủ Ấn Độ phủ nhận các cáo buộc và cho rằng chúng là "vô căn cứ", "có động cơ chính trị". Ấn Độ cho rằng Canada đã tạo điều kiện cho những nhóm cực đoan có xu hướng ly khai, bao gồm phong trào Khalistani, nhằm gây bất ổn cho an ninh của đất nước tỷ dân. Điều này dẫn đến việc cả hai bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, một động thái chưa từng có trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ngay sau cáo buộc của Thủ tướng Trudeau, Ấn Độ trục xuất 40 nhà ngoại giao Canada và hạn chế một số hoạt động ngoại giao. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 5/2024 khi cảnh sát Canada bắt giữ 4 người đàn ông, tất cả đều là công dân Ấn Độ, bị cáo buộc có liên quan đến vụ ám sát Nijjar.
Mới nhất, ngày 29/10/2024, Chính phủ Canada cáo buộc Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah - một quan chức thân cận của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, là chủ mưu các vụ việc nhằm vào những nhân vật ly khai người Sikh trên đất Canada. Phía Ấn Độ bác bỏ cáo buộc, thông tin từ Washington Post.
Trước đó, ngày 14/10, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo Canada quyết định trục xuất Cao ủy Ấn Độ tại Ottawa cùng 5 nhà ngoại giao. Quyết định được đưa ra sau khi cảnh sát nước này phát hiện bằng chứng cho thấy "các đặc vụ Chính phủ Ấn Độ có liên quan những hoạt động đe dọa an toàn công cộng Canada", theo Reuters.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ qua việc một chính phủ nước ngoài đe dọa và sát hại công dân Canada trên lãnh thổ Canada. Ấn Độ đã phạm một sai lầm lớn", ông Trudeau nói, đồng thời cáo buộc nhóm nhà ngoại giao Ấn Độ thu thập thông tin về công dân Canada rồi chuyển cho nhóm thực hiện kế hoạch tấn công họ. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly đã đề nghị Ấn Độ tước quyền miễn trừ ngoại giao của những người này và hợp tác điều tra nhưng bị từ chối.
Phản pháo lại tuyên bố trên, AFP cho biết cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ trục xuất 6 nhà ngoại giao Canada, trong đó có quyền Cao ủy của Ottawa ở New Delhi và cho họ hạn chót là ngày 19/10 để rời khỏi đất nước. Ấn Độ trước đó thông báo rút đại sứ cùng một số nhà ngoại giao ở Ottawa về nước, vì Canada coi họ là nghi can trong cuộc điều tra.
"Ấn Độ bảo lưu quyền có thêm biện pháp đáp trả trước việc chính phủ ông Trudeau ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và ly khai nhằm vào Ấn Độ", Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết ngày 14/10. Đồng thời, Randhir Jaiswal - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Trách nhiệm về thiệt hại mà hành vi này gây ra cho quan hệ New Delhi - Ottawa chỉ thuộc về một mình Thủ tướng Trudeau”.
Ấn Độ từ lâu đã lo ngại các hoạt động của cộng đồng người Sikh ở nước ngoài có thể khiến phong trào ly khai xuất hiện trở lại. Trong khi đó, Canada tuyên bố sẽ luôn bảo vệ "tự do ngôn luận, tín ngưỡng, biểu tình hòa bình" và hành động đối phó sự thù hận. Cộng đồng người Sikh chiếm khoảng 2% dân số Canada. Cả Ấn Độ và Canada đều có những lý do mạnh mẽ cho các động thái đáp trả cứng rắn này. Thủ tướng Canada Trudeau khẳng định nước này có bằng chứng đáng tin cậy, nhưng Ấn Độ phủ nhận và cho rằng Canada chưa cung cấp bằng chứng rõ ràng.
Triển vọng tương lai
Sau các căng thẳng leo thang, Cơ quan tình báo Canada cho biết New Delhi rất có thể đã tiến hành hoạt động đe dọa an ninh mạng của Canada vì mục đích do thám. "Vì Canada và Ấn Độ xuất hiện một số căng thẳng, nên có khả năng Ấn Độ muốn thể hiện các hành động đe dọa mạng với người Canada", Reuters dẫn lời bà Caroline Xavier, người đứng đầu Cơ quan An ninh truyền thông Canada.
Trong khi đó, Vina Nadjibulla, Phó Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu Quỹ châu Á - Thái Bình Dương tại Canada cho biết, Ottawa khó có thể thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt cho đến khi có thêm thông tin chi tiết về vụ án Nijjar. Vị này cũng cho biết nếu có cáo buộc liên quan đến vụ việc với những người đang sống tại Ấn Độ ở bất kỳ cấp độ nào, sẽ kích hoạt một quá trình dẫn độ có thể mất nhiều năm. “Và, tất nhiên, Ấn Độ khó có thể hợp tác", Vina Nadjibulla nói.
Căng thẳng giữa Ấn Độ - Canada có tác động sâu rộng đến khu vực và toàn cầu. Với một cộng đồng Sikh lớn sinh sống tại Canada, tình hình này đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc, với cả những người ủng hộ hay phản đối Chính phủ Ấn Độ. Điều này có thể dẫn đến các cuộc biểu tình và xung đột trong tương lai, làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia.
Không chỉ ảnh hưởng đến an ninh, mối quan hệ căng thẳng Ấn Độ - Canada còn tác động lớn đến kinh tế và thương mại song phương. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Canada với hàng tỷ USD được giao dịch hằng năm. New Delhi tuyên bố không muốn dòng chảy kinh tế bị ảnh hưởng. Mặc dù cả hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại, nhưng tình hình căng thẳng có thể khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào các lĩnh vực mới hoặc mở rộng các dự án hiện tại. Các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể được áp dụng từ cả hai phía, ảnh hưởng đến các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Các nhà phân tích cho rằng, căng thẳng leo thang có thể khiến hai nước phải xem xét lại chiến lược thương mại và đầu tư của mình. Căng thẳng leo thang cũng có thể ảnh hưởng đến việc di cư của sinh viên Ấn Độ đến Canada và ngược lại.
Tuy nhiên, Ấn Độ không lo lắng về tác động kinh tế ngắn hạn và hy vọng rằng quan hệ thương mại và đầu tư sẽ tiếp tục thông qua các quốc gia trung gian như Singapore, UAE hoặc Mỹ. "Rất may là chúng tôi không thấy căng thẳng chính trị ảnh hưởng đến thương mại", Michael Harvey, Giám đốc Điều hành Liên minh Thương mại nông sản Canada chia sẻ với Reuters.
Nhưng, căng thẳng này có thể làm suy yếu vị thế của cả hai quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ấn Độ đang tìm cách khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Canada, với vai trò là một quốc gia phương Tây, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh như Mỹ và Liên minh châu Âu để gây sức ép lên Ấn Độ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Ấn Độ và các đồng minh của Canada.
Một số đồng minh phương Tây của Canada, bao gồm Mỹ, Anh, hay Úc, đã đưa ra các tuyên bố khá thận trọng với các cáo buộc. Bình luận về vấn đề này, bà Manjari Chatterjee Miller - chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) cho biết: “Những cáo buộc đã đặt Mỹ vào một tình thế khó khăn. Mỹ đã dành cả thập kỷ qua để củng cố quan hệ đối tác với Ấn Độ. Đồng thời, Canada là đồng minh của NATO và là một nước láng giềng thân thiện. Hơn nữa, một lượng lớn công dân gốc Ấn Độ, bao gồm cả người Sikh, đang sinh sống tại tại Mỹ”. Chuyên gia CFR cũng dự báo: “Việc không đứng về phe nào có thể không phải là chính sách bền vững lâu dài đối với Chính phủ Mỹ”.
Trước các động thái, New Delhi vẫn duy trì lập trường cứng rắn. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có một giải pháp hòa giải, cả hai nước có thể đối mặt với hậu quả nghiêm trọng về mặt quan hệ quốc tế. Cả Ấn Độ và Canada đều đứng trước thử thách lớn trong việc duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích đối ngoại của mình mà không gây thiệt hại đến mối quan hệ song phương.
Nhìn về tương lai, giới ngoại giao dự đoán mối quan hệ Ấn Độ - Canada sẽ tiếp tục có nhiều biến động. Trong khi Canada có thể tiếp tục điều tra và bảo vệ công dân của mình, Ấn Độ có thể tìm kiếm những đối tác khác nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào quan hệ với Canada. Sự leo thang căng thẳng này không chỉ là một trường hợp đặc biệt mà còn là dấu hiệu cho thấy sự phức tạp và nhạy cảm của quan hệ quốc tế trong bối cảnh hiện nay.