Căng thẳng Mỹ - Trung sau vụ bắn khí cầu có thể tác động tới Đông Nam Á
Mối ngờ vực ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây tổn hại cho Đông Nam Á vào thời điểm khu vực này đang gặp khó khăn với lạm phát và suy thoái kinh tế.
Hãng tin AP dẫn lời các nhà phân tích cho biết các nước Đông Nam Á đang cảnh giác đối với nguy cơ rằng tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vụ bắn hạ khí cầu có thể gây ra bất ổn trong khu vực.
Quân đội Mỹ ngày 4/2 đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc sau khi đi vào không phận Bắc Mỹ, nơi đặt các địa điểm quân sự trọng yếu, lấy lý do thiết bị này được sử dụng nhằm mục đích do thám. Phía Trung Quốc khẳng định đó là khí cầu làm nhiệm vụ khảo sát khí tượng và đã gặp phải sự cố kỹ thuật bất khả kháng khiến nó đi lạc vào không phận Mỹ. Bắc Kinh cũng đã lên án Washington hành động thái quá về vấn đề trên, đồng thời đe dọa đáp trả. Các cơ quan chức năng của Mỹ đang tiến hành điều tra sâu hơn về khí cầu trên.
Chong Ja Ian, Phó Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng các chính phủ Đông Nam Á sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo mà Bắc Kinh và Washington có thể thực hiện để trừng phạt lẫn nhau, cũng như việc điều đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích khu vực như thế nào.
Ông Chong cho biết nhiều quốc gia Đông Nam Á nhận đầu tư từ Mỹ và cũng giao dịch trong các dịch vụ của Mỹ để sản xuất các mặt hàng mà họ bán cho Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất.
Theo ông, gián đoạn đối với hệ thống này có thể gây tổn hại cho Đông Nam Á trong bối cảnh khu vực này đang phải vật lộn với lạm phát và suy thoái kinh tế. “Căng thẳng quân sự gia tăng cũng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát tại trong hoặc gần khu vực Đông Nam Á, gây ra bất ổn không mong muốn”, ông Chong nói thêm.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaya, ông Ngeow Chow Bing, khẳng định sự việc vừa xảy ra đã khiến các nước Đông Nam Á phải quan ngại. “Vòng căng thẳng này có thể sẽ khiến dư luận phía Mỹ thêm cứng rắn”, ông Ngeow nói, đồng thời cho biết thêm rằng những căng thẳng kéo dài không có lợi cho lợi ích chung của Đông Nam Á.
Theo nhận định của chuyên gia Muhammad Faizal Bin Abdul Rahman tại Viện nghiên cứu RSIS của Singapore, sự lạc quan từ cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bali đã không đủ để biến thành các bước xây dựng lòng tin nhằm quản lý căng thẳng và ngăn chặn leo thang.
Tranh cãi nổ ra ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết động thái hủy thăm của ông Blinken vì vụ khí cầu là một điều đáng tiếc, cũng như kêu gọi cả hai bên kiềm chế.
Ông Chong nói để Bắc Kinh và Washington lấy lại động lực trong việc thiết lập liên lạc thường xuyên, họ phải thể hiện thiện chí chính trị, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn chuyến thăm của ông Blinken sẽ diễn ra.
Về phần mình, chiến lược gia Vannarith Chheang tại Viện Tầm nhìn Châu Á ở Phnom Penh, cho biết Đông Nam Á hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế khi xử lý tình huống trên. Ông nói: “Căng thẳng có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát nếu các chính khách cho phép dư luận quyết định phản ứng của quốc gia”.
Tại Mỹ, dư luận phản đối kịch liệt, nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính quyền không bắn hạ khí cầu sớm hơn. Nhiều người cũng bày tỏ tức giận khi Lầu Năm Góc tiết lộ đã có ít nhất ba quả khí cầu khác của Trung Quốc từng bay qua nước này trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.
Nhà Trắng giải thích rằng mặc dù Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu nhưng các chuyên gia khuyên nên chờ đợi nó dịch chuyển đến vùng ngoài khơi để giữ an toàn cho cộng đồng.
Ông Chong Ja Ian cảnh báo rằng với các vấn đề cấp bách trong nước hiện nay, cả Washington và Bắc Kinh có thể không muốn thỏa hiệp ngay bây giờ.
Theo ông, Trung Quốc đang phải giải quyết gánh nặng hậu quả của đại dịch COVID-19, bong bóng bất động sản xì hơi, nợ công của chính quyền địa phương và suy giảm nhân khẩu học. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể cũng không muốn tỏ ra yếu đuối.
Chuyên gia Muhammad Faizal cho biết vụ việc không chỉ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà còn tái khẳng định cam kết của Mỹ trong cản trở tiến bộ của Trung Quốc trong các công nghệ kỹ thuật số và không gian có thể được sử dụng cho mục đích giám sát dân sự và quân sự.
Ông nói: “Nếu đúng là khinh khí cầu của Trung Quốc được dẫn đường bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo thì tình tiết này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của việc các hệ thống không người lái tự hành mà không có sự giám sát của con người sẽ tạo điều kiện cho xung đột ngoài ý muốn”.
Chuyên gia Muhammad Faizal nói thêm rằng khu vực Đông Nam Á cũng nên quan tâm đến việc Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước sự hiện diện của các thiết bị không người lái của Mỹ ở những vùng biển mà Washington coi là vùng biển quốc tế, nhưng Bắc Kinh lại coi đó là lãnh thổ của mình.
Ông Bilahari Kausikan, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Singapore, cho rằng vụ khí cầu là cách Trung Quốc thử thách quyết tâm cải thiện quan hệ của Washington. Ông viết trong một bài đăng trên Facebook: “Việc Trung Quốc tuyên bố rằng đó là một quả khinh khí cầu khí tượng bị lạc hướng không chỉ giúp nước này đưa ra một lời phủ nhận hợp lý, mà còn cho Mỹ một lối thoát dễ dàng nếu nước này quyết định bỏ qua hành động đó”.