Căng thẳng Nga-Ukraine: NATO kiên quyết, Mỹ-Ukraine điện đàm, LHQ, Trung Quốc và Ấn Độ ra lời kêu gọi
Căng thẳng Nga-Ukraine trở nên nóng chưa từng có sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ tìm cách phi quân sự hóa và không tấn công các thành phố lớn của Ukraine: Mục tiêu (của chiến dịch đặc biệt của Nga) là bảo vệ những người đã bị chế độ Kiev ngược đãi suốt 8 năm qua và "vì mục đích này, chúng tôi sẽ nỗ lực phi quân sự hóa và tiêu diệt chủ nghĩa quốc xã ở Ukraine, cũng như đưa những kẻ phạm vô số tội ác đẫm máu chống lại các cư dân vô tội, trong đó có công dân của Liên bang Nga, ra trước công lý”.
Tổng thống Putin còn chỉ trích chính trị là “hoạt động kinh doanh bẩn thỉu” và “hành vi lừa dối” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đi ngược lại các nguyên tắc của quan hệ quốc tế. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định người dân Bán đảo Crimea đã đưa ra lựa chọn của họ, đồng thời nhấn mạnh những hành động của Moscow chỉ mang tính tự vệ “trước những kẻ đã biến Ukraine thành con tin và cố gắng sử dụng đất nước này để chống lại đất nước chúng tôi”, nhưng không gây tổn hại đến lợi ích của Ukraine và người dân Ukraine. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi hợp tác để giải quyết tình hình.
Thông báo ngày 24/2, Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định sẽ không tấn công các thành phố lớn của Ukraine và sẽ sử dụng các “vũ khí tấn công chính xác” để tiêu diệt các cơ sở quân sự của quân đội Ukraine.
Theo thông tin mới nhất từ AFP, một quan chức NATO cho biết các đại sứ NATO sẽ họp khẩn vào sáng 24/2 (giờ địa phương) về cuộc tấn công Ukraine của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 cho biết ông đã lên án cuộc tấn công của Nga trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời chia sẻ về những nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế chỉ trích hành động của Nga.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ sớm họp với lãnh đạo các nước G7 và cùng đồng minh áp đặt “cấm vận nặng nề” với Nga.
Sáng 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có phát biểu ngắn qua video. Ông Zelensky cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, nhắm vào các cơ sở quân sự và lực lượng phòng vệ biên giới. Một số vụ nổ đã xảy ra tại vài thành phố lớn ở Ukraine.
Nói về kết quả điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông khẳng định Washington đang nỗ lực đoàn kết sự ủng hộ quốc tế. Tổng thống Ukraine kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, ở trong nhà và khẳng định Kiev đang nỗ lực và "sẵn sàng" cho mọi tình huống.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án “cuộc tấn công liều lĩnh và vô cớ” của Nga vào Ukraine, đồng thời cảnh báo “vô số” mạng sống đang gặp nguy hiểm.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Tôi kịch liệt lên án cuộc tấn công liều lĩnh và vô cớ của Nga vào Ukraine, quyết định này gây nguy hiểm cho tính mạng của vô số dân thường. Một lần nữa, mặc dù chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần và nỗ lực không mệt mỏi bằng con đường ngoại giao, Nga đã chọn con đường xâm lược một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Các đồng minh NATO sẽ họp để đối phó với những hậu quả do những hành động xâm lược của Nga gây ra. Chúng tôi sát cánh cùng nhân dân Ukraine trong giai đoạn khủng hoảng này. NATO sẽ làm tất cả để bảo vệ các đồng minh”.
Viết trên Twitter ngày 24/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen lên án “cuộc tấn công phi lý” của Nga nhằm vào Ukraine và tuyên bố sẽ buộc Moscow phải "chịu trách nhiệm".
Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông đã nói chuyện trực tiếp với ông Putin: Nếu thực sự một chiến dịch đang được chuẩn bị, tôi chỉ có một điều để nói: 'Ông Putin hãy ngăn quân tấn công Ukraine. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Đã có quá nhiều người chết rồi'”.
Ông nói thêm hành động hôm nay (của Nga) đã gây nên “khoảnh khắc buồn nhất trong nhiệm kỳ của tôi”.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân kêu gọi các bên liên quan “bình tĩnh và nhìn nhận thực tế”.
Ông khẳng định “các bên liên quan cần kiềm chế nhằm gia tăng căng thẳng”, cho rằng cánh cửa cho một giải pháp hòa bình về vấn đề Ukraine vẫn chưa đóng lại.
Đồng thời, vị Đại sứ này nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại hòa bình theo cách của mình và ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao.”
Còn Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc T. S. Tirumurti cho rằng tình hình tại Ukraine “đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.
Nhà ngoại giao này bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về diễn biến hiện nay và nếu không được giải quyết triệt để, nó có thể gây tổn hại tới hòa bình và an ninh tại khu vực.
Ấn Độ “tin rằng cần có đối thoại kéo dài giữa các bên liên quan”, đồng thời nhấn mạnh rằng các bên cần kiềm chế, đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế.