Căng thẳng Nga - Ukraine: Ngòi nổ xung đột vẫn chưa được tháo gỡ?

Mặc dù Nga thông báo rút quân và dự báo của phương Tây về cuộc xung đột ngày 16/2 không xảy ra nhưng bất cứ những bước đi và tính toán sai lầm nào của các bên hiện nay đều có thể dẫn đến xung đột với hậu quả khó lường.

Dự đoán của Mỹ và phương Tây về thời điểm xung đột quân sự có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine vào ngày 16/2 vừa qua đã không xảy ra, với thông báo rút quân của Nga tại khu vực biên giới. Mặc dù vậy vẫn có những nhận định cho rằng “tình huống xấu nhất giữa Ukraine và Nga có thể xảy ra sớm nhất là vào tuần tới”, khiến các bên đang tích cực theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để tránh viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra.

Binh lính Ukraine tuần tra ở làng Novoluhanske nằm ở khu vực Luhansk, Ukraine ngày 19/2. Ảnh: AP

Binh lính Ukraine tuần tra ở làng Novoluhanske nằm ở khu vực Luhansk, Ukraine ngày 19/2. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hôm qua ra tuyên bố chung về vấn đề Nga - Ukraine, trong đó khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang giảm các hoạt động quân sự tại khu vực gần biên giới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Nga có thể thực hiện hành động quân sự tại Ukraine bất cứ thời điểm nào mà không cần báo trước, trong khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo rằng, “tình huống xấu nhất giữa Ukraine và Nga có thể xảy ra sớm nhất là vào tuần tới”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo: “Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ gặp nhau vào ngày 24/2 tới tại châu Âu. Nhưng nếu Nga có hành động quân sự trước ngày đó, chúng ta sẽ thấy rõ rằng họ đã đóng sập cánh cửa ngoại giao. Họ sẽ chọn một cuộc chiến và họ sẽ phải trả giá đắt nếu làm như vậy”.

Không chỉ là những nhận định đồn đoán, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine đang thực sự nóng lên với hàng loạt các vụ vi phạm ngừng bắn tăng mạnh, khiến hàng chục nghìn người phải đi sơ tán. Phát biểu tại Hội nghi an ninh Munich ở Đức hôm qua Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố có thể tái sở hữu vũ khí hạt nhân nếu các cường quốc liên quan không đảm bảo an ninh cho nước này:

“Cấu trúc an ninh thế giới đang thực sự lỏng lẻo. Nó cần được làm mới. Những quy tắc chúng ta nhất trí hàng chục năm trước đã không còn được áp dụng. Cấu trúc an ninh châu Âu và thế giới đã bị hư hại. Quá muộn để sữa chữa mà thay vào đó đã đến lúc xây dựng hệ thống mới.

Nga hiện vẫn bác bỏ cáo buộc vô căn cứ của Mỹ và NATO. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Bộ Quốc phòng Nga đã có một lịch trình rõ ràng cho việc đưa các đơn vị về căn cứ thường trực của họ. Việc triển khai quân được thực hiện trong nhiều tuần, không thể rút chỉ trong một ngày và điều này cần thời gian.

“Chúng tôi đã nghe nhiều thời điểm về việc Nga thực hiện hành động quân sự. Tất cả đều là thông tin sai lệch, giả mạo, vô trách nhiệm. Một thông tin sai lệch này qua đi lại xuất hiện thông tin giả mạo mới. Tôi hy vọng ít nhất là bạn và tôi sẽ không tin những điều giả mạo như vậy”.

Trên thực tế, bất chấp việc Nga đang bắt đầu triển khai rút quân tại khu vực biên giới nhưng khủng hoảng Nga - Phương Tây có thể sẽ tiếp tục bế tắc. Rõ ràng đề xuất đảm bảo an ninh của Nga chưa được Mỹ đáp ứng. Việc Hạ viện Nga trong tuần bỏ phiếu thông qua dự luật kêu gọi Tổng thống Putin công nhận độc lập tại vùng Donbas, nếu được chấp thuận, sẽ là dấu chấm hết cho thỏa thuận Minsk ký năm 2015 để chấm dứt xung đột ở miền Đông.

Nga và phương Tây hiện vẫn khẳng định thiện chí đối thoại với cuộc gặp Ngoại trưởng Nga - Mỹ vào 24/2 tới và Tổng thống Ukraine hôm qua đề xuất gặp người đồng cấp Nga. Tuy nhiên những rối ren ở miền Đông Ukraine đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, với việc chính quyền Donbas phát lệnh tổng động viên do lo ngại chính phủ Ukraine có thể sử dụng vũ lực, còn Mỹ và phương Tây lại cáo buộc Nga có thể hành động tấn công quân sự. Vì vậy, bất cứ những bước đi và tính toán sai lầm nào của các bên cũng có thể dẫn đến xung đột với những hậu quả khó lường./.

Phạm Hà/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cang-thang-nga-ukraine-ngoi-no-xung-dot-van-chua-duoc-thao-go-post925339.vov