Căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu
Nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước có sản lượng lương thực cao trên thế giới đang gây lo ngại về sự leo thang giá của mặt hàng này.
Leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine nhiều khả năng sẽ buộc khách hàng mua lúa mì, ngô và dầu hướng dương, phải chuyển sang tìm kiếm các đối tác khác hoặc mặt hàng thay thế. Đứt gãy nguồn cung có thể đẩy giá lương thực toàn cầu tiếp tục tăng, dù mức giá này vốn đã ở đỉnh trong nhiều năm gần đây.
Trên thực tế, trong phiên giao dịch trên thị trường nông sản Chicago ngày 22/2, giá lúa mì kỳ hạn giao sau đã tăng 2%. Giá ngô cũng cán mốc cao nhất trong 7 năm qua, cùng với đó là đà tăng mạnh của đậu tương. Ba mặt hàng lương thực chủ chốt và là sản phẩm đầu vào cho thức ăn chăn nuôi này đã tăng 40% trong năm 2021.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mì, 19% sản lượng ngô và 80% dầu hướng hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Giới giao dịch lo ngại đụng độ quân sự giữa hai bên có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch và xuất khẩu các sản phẩm này, buộc họ phải chuyển sang tìm kiếm các mặt hàng thay thế.
“Đứt gãy nguồn cung từ khu vực Biển Đen sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng toàn cầu nói chung. Khách hàng tại Trung Đông, châu Phi sẽ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế”, chuyên gia kinh tế Phin Ziebell, thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia, chia sẻ với hãng tin Reuters. Trong năm 2021, khoảng 70% xuất khẩu lúa mì của Nga là sang hai khu vực này.
Giới giao dịch cho biết, một số khách hàng đã điều hướng tàu sang các nước cung ứng khác do lo ngại xung đột có thể kéo dài thời gian chất hàng lên tàu. Tàu chở hàng hiện cũng tránh đi vào khu vực Biển Đen do lo ngại nguy cơ chiến sự và trên thực tế đã xuất hiện rạn nứt về nguồn cung .