Căng thẳng ở Biển Đỏ đe dọa thương mại toàn cầu
Đầu tuần này tại eo biển Bab-el-Mandeb, nối Vịnh Aden với Biển Đỏ, một tàu chở dầu của Na Uy đã bị tên lửa bắn từ Yemen nhắm tới. Đây là tuyến đường quan trọng để cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Thứ Hai (11/12), Pháp đã kêu gọi tránh bất kỳ xung đột khu vực nào ở Biển Đỏ, nơi hạm đội của Pháp được bố trí để đáp trả các cuộc tấn công do Houthis phát động trong nhiều tuần qua. Những cuộc tấn công thường xuyên này đang đe dọa thương mại hàng hải toàn cầu, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông qua kênh đào Suez, một trong những tuyến đường chính của thương mại thế giới.
Cuối tuần trước, hải quân Pháp đã can thiệp để đánh chặn máy bay không người lái của Houthis. Vào thứ Bảy (9/12), nhóm phiến quân Houthis đã cảnh báo rằng họ sẽ tấn công tất cả tàu thuyền hướng tới Israel nếu vẫn không có viện trợ nào được cung cấp cho người dân ở Dải Gaza.
Bất chấp những căng thẳng ngày càng gia tăng, hoạt động thương mại trong khu vực này dường như không thay đổi. Nhưng giao thông đến Israel lại bị gián đoạn nghiêm trọng. Cảng Eilat trên Biển Đỏ suy giảm lợi nhuận trầm trọng. Những con thuyền truyền thống lưu thông ở kênh đào Suez để đến các cảng của Israel ở Địa Trung Hải đang bị chuyển hướng, khiến quãng đường và chi phí di chuyển gia tăng. Các công ty bảo hiểm đang áp dụng phí bảo hiểm bổ sung cho tất cả các chuyến tàu vận chuyển từ hoặc đến Do Thái. Xung đột leo thang có thể sẽ là một cú sốc lớn đối với thương mại toàn cầu.
Cước vận chuyển hàng hóa gia tăng
12% tổng hàng hóa đi qua kênh đào Suez. Đây là tuyến đường chính của ngành dầu khí: 10% sản phẩm dầu mỏ, 5% dầu thô và 8% khí tự nhiên hóa lỏng lưu thông qua tuyến đường này. Đây là tuyến đường quan trọng để cung cấp năng lượng cho người châu Âu và cũng là tuyến đường quan trọng trong việc buôn bán ngũ cốc, với 7% tổng số hàng lưu thông qua Biển Đỏ. Nếu eo biển Bab-el-Mandeb bị phong tỏa, toàn cầu lo ngại sẽ có một đợt vận chuyển hàng hóa mới tăng vọt. Ai Cập, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ kênh đào Suez, sẽ là quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng nếu xung đột leo thang.
Những rủi ro này càng đáng lo ngại hơn đối với ngành vận tải hàng hóa khi kênh đào Panama, tuyến đường vận chuyển hàng hóa chính khác, đang hoạt động chậm lại do hạn hán, khiến mực nước giảm đáng kể, ảnh hưởng đến hành trình di chuyển của nhiều tàu thuyền.
Đôi khi phải mất đến 2 tuần mới có thể di chuyển qua kênh đào này. Do đó, nhiều tàu đã chuyển hướng qua Suez, khiến việc vận chuyển kéo dài thêm 5 ngày. Nếu các tàu thuyền phải tránh Biển Đỏ, đi vòng châu Phi qua Mũi Hảo Vọng để lưu thông vào châu Á, châu Âu và châu Mỹ, thì chuỗi cung ứng một lần nữa sẽ được đặt lên bàn thử thách.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công. Phòng Thương mại Hàng hải Síp cũng ủng hộ lời kêu gọi này, đồng thời khẳng định phải đảm bảo an toàn cho các đoàn thủy thủ. Một số tàu đã thuê lực lượng phòng vệ vũ trang để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ được huấn luyện để đối phó những tên cướp biển ngoài khơi Somalia, không được huấn luyện để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Đối mặt với mối đe dọa này, chỉ có đáp trả quân sự mới phù hợp.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cang-thang-o-bien-do-de-doa-thuong-mai-toan-cau-701805.html