Căng thẳng Pakistan - Iran: Tehran tỏ rõ thái độ, Islamabad rà soát toàn quốc, LHQ cùng Nga-Mỹ ra lời kêu gọi
Ngày 19/1, sau các cuộc tấn công vào các 'mục tiêu khủng bố' trên lãnh thổ của nhau, cả Pakistan và Iran đều có các động thái mới liên quan đến cuôc khủng hoảng này.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Pakistan Murtaza Solangi cho biết, Thủ tướng tạm quyền nước này Anwaar-ul-haq Kakar đã triệu tập một cuộc họp gồm các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự hàng đầu để xem xét tình trạng an ninh quốc gia.
Sau cuộc tấn công của Islamabad vào các vị trí có chiến binh ly khai bên trong lãnh thổ Iran hôm 18/1 và việc Tehran tấn công các căn cứ của một nhóm khác trong lãnh thổ Pakistan ngày 16/1, chính quyền của Thủ tướng Kakar đã phải đặt đất nước trong tình trạng cảnh giác “cực kỳ cao độ”.
Thủ tướng tạm quyền Anwaar-ul-haq Kakar đã phải cắt ngắn chuyến công du tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, vì tình hình trong nước.
Một nguồn tin an ninh hàng đầu ở Pakistan tuyên bố rằng bất kỳ hành động tấn công nào thêm nữa từ phía Iran đều sẽ bị đáp trả một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan về cuộc tấn công các mục tiêu ở lãnh thổ Iran, Islamabad khẳng định coi Tehran là "anh em" và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của quốc gia láng giềng.
Về phía Iran, Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định cam kết duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Pakistan, đồng thời kêu gọi Islamabad ngăn chặn việc thành lập “căn cứ khủng bố” trên lãnh thổ.
Liên quan vụ việc, ngày 18/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ Iran và Pakistan “kiềm chế tối đa”, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ tấn công.
Mỹ cũng cho biết đang theo dõi sát tình hình và giữ liên lạc với giới chức Pakistan. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nêu rõ: “Đây là hai quốc gia vũ trang tốt và chúng tôi không muốn thấy tình hình leo thang hơn nữa”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng hối thúc các bên liên quan kiềm chế, song không cho biết liệu Washington có sẵn sàng hỗ trợ Pakistan, một đồng minh ngoài NATO hay không.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố: "Chúng tôi đang quan ngại theo dõi sự leo thang tình hình ở khu vực biên giới Iran-Pakistan trong những ngày gần đây. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và chỉ giải quyết các vấn đề mới bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao".