Căng thẳng phủ bóng Shangri-La
Đối thoại Shangri-La, một trong những diễn đàn an ninh cấp cao hàng đầu thế giới, đã kết thúc vào ngày 4/6 tại Singapore sau 3 ngày làm việc.
Nhiều vấn đề an ninh, quốc phòng nóng của khu vực và thế giới đã được đem ra thảo luận trong khuôn khổ đối thoại nhưng một điểm nhấn đáng chú ý là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại tiệc tối mở đầu Đối thoại Shangri-La ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bước đến chỗ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Hai người đã bắt tay và trao đổi ngắn nhưng trong 3 ngày làm việc, hai bên không tổ chức cuộc gặp chính thức. Trước đó, phía Mỹ cho biết Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối đề nghị về cuộc gặp bên lề Shangri-La.
Tiếp nối cái bắt tay này, phát biểu hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kêu gọi Trung Quốc quay lại bàn đàm phán quốc phòng. “Đối với các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thời điểm thích hợp để nói chuyện là bất cứ lúc nào. Thời điểm thích hợp để nói chuyện là mọi lúc. Và thời điểm thích hợp để nói chuyện là bây giờ”, ông Austin ám chỉ việc nối lại đối thoại giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Đáp lại, Trung tướng Jing Jianfeng, thành viên cấp cao Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La, cho rằng phía Mỹ cần chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tình cảnh bế tắc hiện nay. Theo Trung tướng Jing, nỗ lực duy trì quyền lực và hiện diện quân sự trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh của các quốc gia trong khu vực.
Còn trong bài phát biểu hôm 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc sử dụng tông giọng tương đối nhẹ nhàng nhưng kiên quyết khi nói về mối quan hệ Mỹ - Trung. Nhận định mối quan hệ hai nước đang ở mức “thấp kỷ lục”, ông Lý cho rằng Mỹ cần thể hiện sự chân thành và có hành động cụ thể để ổn định và ngăn chặn quan hệ song phương ngày càng xấu đi.
“Chúng tôi hy vọng sự hợp tác trao đổi sẽ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Đây là nguyên tắc cơ bản”, Bộ trưởng Lý nhấn mạnh.
Bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, bài phát biểu của Bộ trưởng Austin lẫn Bộ trưởng Lý đều có chung quan điểm rằng việc đối đầu giữa hai nước sẽ gây tác động tiêu cực lên toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối tổ chức đối thoại với Mỹ nhằm truyền đi thông điệp rằng hai bên sẽ chỉ nối lại đối thoại nếu Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Hiện, phía Mỹ chưa có phản hồi thêm về vấn đề này.
Trong bài phát biểu tối 2/6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese bày tỏ lo ngại sự đổ vỡ trong đối thoại giữa các siêu cường Mỹ - Trung có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cũng cảnh báo “nguy cơ thảm họa đang cận kề”.
Bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã phủ bóng trong 3 ngày diễn ra Đối thoại Shangri-La. Thông điệp gửi đi từ hai bên đã giúp các nước nhìn nhận rõ hơn về quan điểm, thái độ của Mỹ và Trung Quốc về nhau, về khu vực và trong thế giới. Nguy cơ châu Á mắc kẹt giữa “chiến tranh Lạnh” Mỹ - Trung còn bỏ ngỏ nhưng nhìn chung, các nước đều kỳ vọng về một sự hợp tác trong tương lai gần giữa hai cường quốc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cang-thang-phu-bong-shangri-la-post641848.html