Căng thẳng tàu chiến Mỹ, TQ và Australia ngoài khơi Malaysia
Sự xuất hiện đầy sức mạnh của tàu chiến Mỹ và Australia ngoài khơi Malaysia cho thấy cam kết của Washington đối với khu vực trước hành động bắt nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Sự phô diễn sức mạnh gần đây dọc theo bờ biển Borneo của Malaysia là phản ứng mạnh mẽ của Hải quân Mỹ đối với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, trấn an các nước Đông Nam Á rằng Washington không quay lưng với khu vực, tạp chí Foreign Policy cho biết.
Trong nhiều ngày từ 20/4, tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) mang theo các tiêm kích tàng hình F-35 và trực thăng cùng đơn vị thủy quân lục chiến tuần tra với 2 tàu hộ tống gồm tàu khu trục USS Barry và tuần dương hạm USS Bunker Hill tổ chức tập trận gần khu vực căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia.
Nhóm tàu chiến Mỹ tiến gần tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 (HD-8) của Trung Quốc, đi kèm với đội tàu hải cảnh, tàu đánh cá, được gọi là lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc.
Khi tàu chiến Mỹ xuất hiện, 2 tàu hộ vệ tên lửa và một tàu khu trục của Trung Quốc cũng xuất hiện.
Ép Malaysia phải hợp tác
Mục tiêu của lực lượng hàng hải hỗn hợp, nhưng có sự phối hợp chặt chẽ của Trung Quốc là West Capella, tàu thăm dò dầu khí thuộc sở hữu của Petronas, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Malaysia.
Nó đã hoạt động gần rìa ngoài của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Malaysia, ngoài khơi Sarawak, kể từ cuối năm 2019.
Sự việc trở nên căng thẳng khi tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh, và dân quân hàng hải xuất hiện để cản trở hoạt động của tàu thăm dò Malaysia.
Mục đích rõ ràng của Trung Quốc là đe dọa và phá hoại hoạt động thăm dò của Malaysia, ép buộc các quốc gia Đông Nam Á khác chấp nhận khai thác chung (ngoài biển) với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nhiều lần thực hiện những cuộc khảo sát kiểu “ép buộc” như vậy, xâm lấn dần về phía nam, dù thực tế Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế để có thể tuyên bố quyền tài phán. Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố cái gọi là “đường chín đoạn”, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, từ lâu bị phần lớn cộng đồng quốc tế bác bỏ.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang ép các nước Đông Nam Á phải hợp tác với Bắc Kinh trong các hoạt động thăm dò dầu khí trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein đã ra tuyên bố khẳng định cam kết của Malaysia trong việc bảo vệ lợi ích và quyền lợi của họ trên biển. Ngoại trưởng Hussein cũng tìm cách giữ Malaysia ở thế cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Phản ứng táo bạo của Hạm đội 7
Việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải vào bờ ở đảo Guam do Covid-19 và một tàu sân bay khác đang bảo trì ở Nhật Bản, điều động tàu đổ bộ tấn công USS America đến tây Thái Bình Dương là minh chứng táo bạo cho khả năng phản ứng của Hạm đội 7 trước các động thái của Trung Quốc.
Nhóm tàu đổ bộ tấn công USS America kết hợp với tàu khu trục HMAS Parramatta của Hải quân Hoàng gia Australia đã tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông, dù Hải quân Mỹ từ chối tiết lộ vị trí cụ thể của các tàu chiến.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói rằng Mỹ kịch liệt phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc và “chúng tôi hy vọng các nước khác sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích điều này”.
Sau vài ngày và không có thêm sự leo thang nào nữa, USS America và các tàu hộ tống của nó, cùng tàu khu trục của Australia rời khỏi hiện trường. Các tàu chiến Trung Quốc cũng rút lui, tuy vậy tàu HD-8 vẫn hoạt động ở đó dưới sự hộ tống của 4 tàu hải cảnh.
Vào ngày 25/4, một tàu chiến ven biển của Hải quân Mỹ đồn trú tại Singapore đã di chuyển gần tàu thăm dò West Capella, nhưng không nán lại. Dù nhóm tàu chiến Mỹ đã rút khỏi khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia, nhưng vẫn duy trì sự hiện diện trên Biển Đông.
Ngày 28/4, tàu khu trục USS Barry áp sát quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, trong nhiệm vụ tuần hành tự do hàng hải. Ngày 29/4, tuần dương hạm USS Bunker Hill tuần hành tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa.
Không quân chiến lược Mỹ cũng điều động 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer bay thẳng từ Mỹ đến tuần tra Biển Đông. Đối với Hạm đội 7 chịu trách nhiệm bao phủ một khu vực rộng lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhiệm vụ này là rất khó khăn, đặc biệt là khi đối phó với Trung Quốc có đội tàu đông đảo nhất thế giới.
Hoạt động ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với Hải quân Mỹ, vì căn cứ gần nhất của họ là ở Nhật Bản và đảo Guam, cùng với bộ phận hậu cần và phương tiện neo đậu cho tàu chiến duyên hải ở Singapore, nhưng Hải quân Mỹ đã chứng minh họ luôn xuất hiện ở các điểm nóng vào thời điểm cần thiết.
Giới phân tích cho rằng, Hải quân Mỹ cần một phương tiện có thể hiện diện ở Biển Đông lâu và ít leo thang hơn. Tàu chiến duyên hải được xem là phương tiện phù hợp, nhưng chương trình này đang vấp phải sự chỉ trích vì khả năng chiến đấu khiêm tốn và các vấn đề về độ tin cậy.
Sự cân bằng lý tưởng giữa nhanh nhẹn, răn đe và tự bảo vệ ở Biển Đông có lẽ trông giống một tàu hộ vệ tên lửa. Hải quân Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đến thiết kế khinh hạm tàng hình của Hải quân Italy.
Giá trị của Hải quân Hoàng gia Australia ở Biển Đông không phải chỉ là biểu tượng, dù căn cứ của họ nằm cách xa Biển Đông hơn các căn cứ của Hạm đội 7.
Sự tham gia của tàu chiến Australia trên Biển Đông chứng minh cam kết của nước này về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở.