Căng thẳng tay ba vì Dòng chảy phương Bắc 2

Việc các nghị sĩ Quốc hội Mỹ trình dự luật gia tăng trừng phạt với dự án đường ống dẫn khí Nga-Đức Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đang gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía Berlin và Moscow. Đức và Nga đe dọa sẽ đánh vào đúng mưu tính của Washington khi cố tình ngăn cản dự án này hoàn thành.

Còn Washington lâu nay luôn cho rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nối Nga với châu Âu thông qua biển Baltic mà điểm đầu châu Âu tiếp nhận dòng khí từ Nga là Đức, sẽ khiến châu Âu trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga.

Ngày 4-6, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã trình một dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2 do tập đoàn dầu khí Nga Gazprom dẫn đầu. Trước đó, Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại dự án này vào tháng 12 năm ngoái, yêu cầu các công ty liên quan đến việc đặt ống ở biển Baltic ngừng hoạt động. Công ty Allseas của Thụy Sĩ, tham gia vào dự án, ngay lập tức thu hồi những chiếc tàu rải ống của mình vì sợ bị trừng phạt. Sau đó, vào tháng 1-2020, Tổng thống Putin tuyên bố Nga có kế hoạch bắt đầu vận hành Nord Stream 2 trong quý đầu tiên của năm 2021 bất chấp sự ngáng chân của Mỹ hay của ai khác.

Nord Stream 2 nối Nga với châu Âu.

Nord Stream 2 nối Nga với châu Âu.

Nord Stream 2 dài 1.230 km kết nối bờ biển Nga với Đức. 2 đường ống của dự án, với tổng công suất hằng năm là 55 tỷ mét khối, dự kiến sẽ đi qua các vùng kinh tế và vùng lãnh hải của Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Để lấp khoảng trống của Allseas, 2 tàu đặt đường ống của Nga có thể được sử dụng để hoàn thành 160km đường ống còn lại của dự án này.

Dự luật trừng phạt mới lần này, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz và Jeanne Shaheen đến từ đảng Dân chủ dẫn đầu, sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt vào Nord Stream 2, bao gồm cả các bên liên quan trong việc đặt đường ống, cung cấp dịch vụ bảo hiểm (cho hoạt động vận tải biển) hoặc bảo lãnh, tái bảo hiểm cho tàu thuyền. Ông Cruz cho biết, dự luật này làm rõ là những bên liên quan đến việc lắp đặt đường ống sẽ phải đối mặt với việc bị làm cho tê liệt và trừng phạt ngay lập tức. Dự luật phải được thông qua bởi cả hai viện của Quốc hội và có chữ ký của ông Trump.

Nhiều chính trị gia và các công ty năng lượng Đức ủng hộ dự án Nord Stream 2 khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tìm cách dừng việc sử dụng than và năng lượng hạt nhân. Còn chính quyền ông Trump thì nói rằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của họ sẽ cung cấp cho châu Âu một lựa chọn thay thế tốt, thay vì dùng nguồn hàng cung cấp từ Nga. Công suất hoạt động của các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng qua do nhu cầu toàn cầu sụt giảm mạnh.

Giá khí đốt của Mỹ bán cho thị trường châu Âu cao hơn nhiều so với của Nga vì khí đốt của Mỹ phải vận chuyển bằng tàu trong khi của Nga bằng đường ống. Mặt khác, việc khai thác khí đốt ở Nga ít hại với môi trường hơn so với khí đá phiến ở Mỹ. Để khai thác được khí đá phiến, các nhà khai thác Mỹ phải dùng phương pháp nứt gãy thủy lực. Đây là phương pháp rất hại cho môi trường.

Cả Nga và Đức đều phản ứng mạnh mẽ dự luật trừng phạt nói trên. Nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đường ống Nord Stream 2, Berlin sẽ sẵn sàng trả đũa Mỹ bằng các biện pháp cụ thể. Klaus Ernst, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Năng lượng của Bundestag nói trong cuộc phỏng vấn với Izvestia và được công bố vào ngày 9-6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

“Đây là một sự vi phạm chủ quyền của Đức và Liên minh châu Âu. Nếu điều này không dừng lại, để bảo vệ chính mình, chúng ta sẽ phải nghiên cứu các biện pháp đáp trả mạnh. Chẳng hạn, trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Mỹ”, ông Klaus Ernst cho biết.

Trước đó, trong cuộc điện đàm vào cuối tháng 5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tranh luận gay gắt về Nord Stream 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các lệnh trừng phạt của Mỹ trước đây đã bị Đức chỉ trích, vì cho rằng đây là một dự án kinh tế chứ không phải chính trị như Washington nghĩ. Lập trường của Berlin về vấn đề này hiện nay và sau này sẽ không thay đổi, phó phát ngôn viên Chính phủ Liên bang Đức Ulrike Demmer tuyên bố.

“Bây giờ không phải là thời điểm tốt để Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với đường ống Nord Stream 2, trong khi có những vấn đề khác quan trọng hơn cần giải quyết”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr cho biết.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 12-6 lấy làm tiếc về các biện pháp trừng phạt mà Washington đang đề xuất đối với Moscow. Ông cho rằng các lệnh trừng phạt này là “bất hợp pháp” và những quyết định như vậy “chắc chắn” không góp phần cho sự bình thường hóa quan hệ song phương.

Ngoài Mỹ, một đồng minh của Washington là Anh mới đây cũng lên tiếng chỉ trích Đức về việc tham gia Nord Stream 2. Nghị sĩ Anh Daniel Kawczynski coi dự án Nord Stream 2 là “sự phản bội” của Đức với lợi ích của NATO. Đáp lại những chỉ trích này, nghị sĩ Anton Friesen, thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, nói: “Nord Stream 2 là một bước tiến tới an ninh năng lượng ở châu Âu. Nga là một nhà cung cấp khí đốt giá rẻ và uy tín, trong khi khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đắt đỏ, việc khai thác khí đá phiến lại có hại cho môi trường. Nhiều người phản đối Nord Stream 2 thực sự đang vận động hành lang cho Mỹ chứ không phải châu Âu”.

Nord Stream 2 còn đang đối mặt với những rào cản vô hình khác. Cơ quan tư pháp châu Âu ngày 20-5 đã bác bỏ các kháng cáo của nhà điều hành dự án Nord Stream 2, yêu cầu hủy bỏ các quy tắc mới của EU về vận chuyển khí đốt. Nord Stream 2 cáo buộc EU đã thông qua các điều khoản mới này với mục đích “gây bất lợi” và “làm nản lòng” Gazprom trong việc xây dựng đường ống này.

Các quy định mới của EU về vận tải khí đốt được thông qua vào năm 2019 áp đặt các quy tắc thị trường chung đối với các đường ống khí đốt từ một quốc gia bên ngoài EU và vượt qua khối này, với mục đích minh bạch giá cả, tiếp cận cơ sở hạ tầng của bên thứ ba và sự tách biệt các hoạt động giữa các nhà cung cấp và quản lý.

Ngày 21-5, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (BNA) tuyên bố miễn trừ Nord Stream 2 khỏi các quy tắc của chỉ thị khí đốt châu Âu trên lãnh thổ Đức trong 20 năm. Sự miễn trừ áp dụng cho phần đường ống dẫn khí nằm trên lãnh thổ Đức (bao gồm cả lãnh hải và đất liền) và có hiệu lực trong 20 năm, tính từ ngày 12-12-2019.

Phát biểu tại một cuộc họp cấp bộ của Hội đồng Các quốc gia vùng biển Baltic (CBSS), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết những khó khăn mà châu Âu đang tạo ra cho Nord Stream 2 sẽ chỉ khiến khí đốt trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân châu Âu.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cang-thang-tay-ba-vi-dong-chay-phuong-bac-2-599424/