Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nóng lên trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ
Lo thị trường trong nước 'ngập' thép Trung Quốc giá rẻ, chính quyền ông Biden đang muốn tăng gấp 3 thuế nhập khẩu đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc...
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, trong bối cảnh Washington gần đây nhiều lần phàn nàn về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp ở quốc gia châu Á. Lời kêu gọi được ông Biden đưa ra tại trụ sở của United Steelworkers – liên minh các nhà sản xuất thép lớn nhất tại Mỹ – trong một sự kiện thuộc chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông.
Đây cũng là đề xuất về thuế lớn đầu tiên đối với hàng Trung Quốc của ông Biden. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Biden gần như giữ nguyên mức thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc đã được áp đặt bởi chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump – người khả năng cao sẽ tái đấu với ông Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.
LEO THANG CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), với động thái mới nhất của ông Biden, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ trả đũa bằng việc tạo ra một mặt trận thương mại mới và làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong quý đầu năm 2024, GDP của Trung Quốc tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và 1,6% so với quý trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại về sự phục hồi thiếu cân bằng của quốc gia này khi phụ thuộc lớn vào sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã khởi xướng một cuộc điều tra nhằm vào ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu của Trung Quốc, với cáo buộc Bắc Kinh có các chính sách phi thị trường và "thiếu công bằng” nhằm thống trị các lĩnh vực này.
"Mức độ phản ứng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các cuộc điều tra mới nhất mà phía Mỹ triển khai. Dù đây là những động thái có động cơ là cuộc bầu cử, Bắc Kinh sẽ không xem xét tới yếu tố này khi đưa ra động thái đáp trả".
Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại CASS
Ông Henry Gao, giáo sư luật tại Đại học Quản trị Singapore, cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu Bắc Kinh đưa ra các biện pháp trả đũa động thái tăng thuế của Washington bằng cách áp thuế đối với các doanh nghiệp Mỹ.
“Tôi cho rằng các cuộc gặp gần đây giữa quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ không mang lại nhiều hiệu quả, bởi đây là những cuộc gặp thiên về bình ổn hóa quan hệ song phương và tránh những bất ngờ lớn trong một số vấn đề giữa hai nước như tình hình ở Đài Loan. Những cuộc gặp này không giúp làm dịu bớt cạnh tranh kinh tế giữa hai quốc gia”, ông Gao, cũng là một nhà nghiên cứu về thương mại quốc tế, nhận xét.
Còn ông Lu Xiang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), dự báo phía Mỹ sẽ có thêm nhiều động thái nhằm vào Trung Quốc từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống trong bối cảnh ông Biden chạy đua để ở lại Nhà Trắng.
“Mức độ phản ứng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các cuộc điều tra mới nhất mà phía Mỹ triển khai”, ông Lu đánh giá. “Dù đây là những động thái có động cơ là cuộc bầu cử, Bắc Kinh sẽ không xem xét tới yếu tố này khi đưa ra động thái đáp trả”.
Thứ Năm tuần trước (18/4), Bộ Thương mại Trung Quốc phát đi thông cáo trong đó nhấn mạnh “không hài lòng và kịch liệt phản đối” cuộc điều tra của USTR đối với lĩnh vực hàng hải, hậu cần và đóng tàu của Trung Quốc. Bình luận tương tự cũng được đưa ra đối với cáo buộc của Mỹ về thép và nhôm của Trung Quốc. Bộ này nói rằng các cáo buộc của Mỹ là “không có cơ sở”.
Một ngày trước đó, Viện Sắt thép Mỹ (AISI) nói rằng, dù thép Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ không tăng vọt, nhưng có một thực tế là kim loại này thường được xuất khẩu sang một quốc gia thứ ba và được chế biến thành các sản phẩm khác trước khi xuất sang thị trường Mỹ.
TRUNG QUỐC TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN
Theo ông Bryan Mercurio, giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, xu hướng này cho thấy Bắc Kinh đang đi lại con đường cũ khi chọn xuất khẩu là một mũi nhọn nhằm ứng phó với sự sụt tốc tăng trưởng của nền kinh tê.
“Đây có thể là tin xấu với các nền kinh tế khác bởi sự dư thừa công suất của Trung Quốc có thể khiến giá cả hàng hóa giảm xuống và gây ra bất ổn với doanh nghiệp ở những nước khác”, ông Mercurio chỉ ra.
Sau chuyến công du tại Trung Quốc đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết các cuộc thảo luận về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc vẫn chưa đạt được kết quả nào. Theo các nhà phân tích, phát biểu này có thể là một tín hiệu cho thấy Washington nhiều khả năng sẽ áp đặt thêm thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc để ngăn hàng giá rẻ Trung Quốc ngập tràn thị trường Mỹ.
Trong tháng 3, xuất khẩu thép của Trung Quốc là 9,89 triệu tấn, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước, còn xuất khẩu nhôm hợp kim và không hợp kim chưa gia công đạt 510.000 tấn, tăng 3,1% – theo dữ liệu từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tháng 2, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 120.220 tấn thép sang Mỹ.
“Thép và nhôm Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ. Do đó, kể cả khi thuế quan khiến các mặt hàng này không nhập khẩu được vào Mỹ thì tác động cũng không lớn. Tuy nhiên, động thái của Mỹ sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều nếu đây là động thái mở màn cho một vòng trả đũa thương mại nhanh và mạnh mẽ giữa hai nước”, ông Stephen Olson, giáo viên thỉnh giảng tại Viện Thương mại và Tài chính Quốc tế Yeutter thuộc Đại học Nebraska Lincoln, phân tích.
Hiện tại, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và Thái Lan là các khách hàng nhập khẩu lớn nhất của thép Trung Quốc.
Năm ngoái, Chính phủ Thái Lan, thị trường lớn thứ tư của thép Trung Quốc, đã mở một cuộc điều tra hành vi bán phá giá thép cuộn Trung Quốc sau khi nhận phản ánh của các doanh nghiệp thép trong nước. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thực hiện các cuộc điều tra đối với các trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc đối với nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các công ty xe điện, do lo ngại về tình trạng dư thừa công suất ở quốc gia châu Á.
Theo ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, các cuộc điều tra gần đây của Trung Quốc dù chưa gây ra mối lo ngại tức thì với doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc, nhưng sự căng thẳng giữa hai nước có thể gây hiệu ứng lan truyền, đặc biệt là khi những căng thẳng đó dẫn tới các biện pháp hạn chế thương mại.
Trong khi đó, ông Zhou Chao của viện nghiên cứu Anbound, cho rằng căng thẳng leo thang có thể đẩy mạnh làn sóng nhà sản xuất Trung Quốc dịch chuyển hoạt động sang các quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ.
“Dù Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục phản đối động thái của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc vẫn được hưởng lợi khi dịch chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài bởi việc này giúp giảm bớt rủi ro liên quan tới các cuộc điều tra của Mỹ”, ông Zhoe nhận định.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh nên “bỏ qua” việc này bởi Trung Quốc đang cần thu hút đầu tư nước ngoài trở lại và leo thang căng thẳng với Mỹ sẽ gây bất lợi.