Căng thẳng Trung - Ấn: Tàn lửa âm ỉ dưới chân dãy Himalaya
Các chuyên gia về chính trị châu Á nhận định đối đầu Trung - Ấn tại khu vực Sikkim sẽ khó leo thang thành chiến tranh nhưng tàn lửa xung đột sẽ vẫn cháy âm ỉ.
Căng thẳng bùng phát hồi tháng 6 vừa qua khi Trung Quốc xây dựng một con đường đi qua cao nguyên Doklam theo cách gọi của Ấn Độ hay Donglang theo cách gọi của Trung Quốc. Căng thẳng nhanh chóng leo thang với những tuyên bố cứng rắn của cả 2 bên kiên quyết không nhượng bộ đối thủ.
Trao đổi với Zing.vn, bà Huỳnh Thanh Loan, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Ấn Độ - Tây Nam Á, và giáo sư David Walker, chuyên gia chính trị Đông Á tại Đại học Newcastle, Anh, có đồng quan điểm khi cho rằng tranh chấp biên giới Ấn - Trung khó có thể leo thang thành xung đột quân sự.
Tuy nhiên, những khác biệt lợi ích và bất đồng trong chính sách quốc tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ làm gia tăng bất ổn và tranh giành ảnh hưởng trong khu vực cũng như có tác động quốc tế lan tỏa.
Tàn lửa dưới chân hai kẻ khổng lồ
- Theo bà, đâu là nguyên nhân đằng sau cuộc xung đột tại biên giới với Bhutan lần này giữa Ấn Độ và Trung Quốc ?
- Chuyên gia Huỳnh Thanh Loan: Thực tế trong vài tháng trở lại đây, quan hệ giữa 2 nước đã xấu đi nhanh chóng. Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Văn hóa Mahesh Sharma của Ấn Độ đã có cuộc hội kiến chính thức với Dalai Lama. Sự kiện này khiến Trung Quốc phản ứng rất gay gắt.
Hồi tháng 5, Ấn Độ từ chối tham gia khai mạc diễn đàn Vành đai, Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Ấn Độ công khai chỉ trích sáng kiến Vành đai, Con đường và nói Trung Quốc phớt lờ chủ quyền và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia nơi sáng kiến trên được triển khai.
Về phía Trung Quốc, nước này liên tục phản đối việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cũng ngăn cản việc đưa nhóm vũ trang Masood Azhar, tổ chức có trụ sở tại Pakistan đã gây ra nhiều vụ tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ, vào danh sách các tổ chức khủng bố của Liên Hợp Quốc.
Sự kiện Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng tại khu vực tranh chấp tại ngã ba biên giới Trung - Ấn - Bhutan là giọt nước làm tràn ly thổi bùng lên căng thẳng vốn đã âm ỉ giữa hai nước.
- Bà có cho rằng căng thẳng hiện nay sẽ leo thang thành xung đột quân sự giữa 2 nước ?
- Chuyên gia Huỳnh Thanh Loan: Trung Quốc trong nhiều năm qua đã dày công xây dựng hình ảnh "Cường quốc thân thiện" với chính sách "Trỗi dậy hòa bình". Hiện nay, Trung Quốc theo đuổi tham vọng trở thành lãnh đạo khu vực châu Á. Việc châm ngòi xung đột quân sự với Ấn Độ sẽ lập tức xóa bỏ mọi nỗ lực về ngoại giao của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Đối với Ấn Độ, nước này thực tế thua kém Trung Quốc rất nhiều về kinh tế và quân sự. Sa chân vào cuộc chiến tranh, điều sẽ tiêu tốn nguồn nhân lực vật lực khổng lồ, sẽ là thảm họa với nền kinh tế Ấn Độ.
Vì vậy, hai nước khó có thể xảy ra xung đột quân sự trong bối cảnh hiện tại.
- Theo bà, căng thẳng hiện tại sẽ kéo dài bao lâu và các bên sẽ làm như thế nào để hạ nhiệt căng thẳng ?
- Chuyên gia Huỳnh Thanh Loan: Tranh chấp lãnh thổ luôn luôn là vấn đề phức tạp và sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều. Việc hạ nhiệt căng thẳng phụ thuộc vào vấn đề nội bộ của từng nước.
Trung Quốc có 2 mục tiêu chính khi châm ngòi khủng hoảng ở Sikkim. Thứ nhất, Trung Quốc muốn "chuyển lửa ra ngoài", muốn dư luận nước này tập trung vào vấn đề tranh chấp với Ấn Độ để giảm sức ép và sự chú ý của công luận với các vấn đề nội bộ gai góc.
Thứ hai, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu tới đây. Hành động cứng rắn với Ấn Độ sẽ củng cố uy tín trong nước.
Do đó, Trung Quốc sẽ không dễ dàng nhượng bộ Ấn Độ. Bắc Kinh sẽ duy trì căng thẳng ở trạng thái "sôi sục". Tới thời điểm Trung Quốc đã đạt được các mục tiêu chính trị, nước này sẽ phát tín hiệu làm hòa.
Đối với Ấn Độ, nước này không muốn leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Mặc dù vậy, New Delhi sẽ không dễ dàng xuống nước nhượng bộ trước. Tuy nhiên, bởi Ấn Độ ở thế yếu hơn về kinh tế và quân sự, nước này có thể sẽ ngầm thỏa thuận lợi ích với Trung Quốc để từ đó hạ nhiệt căng thẳng.
- Thưa bà, quan hệ Trung - Ấn sẽ bị tác động như thế nào sau cuộc khủng hoảng này?
- Chuyên gia Huỳnh Thanh Loan: Quan hệ Trung - Ấn vốn đã không êm ấm trong thời gian qua. Trước mắt quan hệ 2 nước sẽ xấu đi một chút nhưng sẽ không thể có thay đổi lớn.
Trong dài hạn, quan hệ song phương sẽ phụ thuộc vào sức mạnh nội tại của các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chủ nghĩa nước lớn. Khi sức mạnh kinh tế chuyển hóa thành sức mạnh quân sự và thổi bùng lên tham vọng bá quyền nước lớn, rất khó để hình dung Bắc Kinh sẽ làm gì tại các khu vực tranh chấp với Ấn Độ.
Tranh giành ảnh hưởng, tập hợp lực lượng
- Thưa giáo sư David Walker, ông đánh giá thế nào về tình hình Nam Á sau cuộc khủng hoảng này?
- Giáo sư David Walker: Ấn Độ đã không thành công trong chính sách Nam Á của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc đã thành công trong việc gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự lên các nước Nam Á.
Có 2 nguyên nhân cho tình trạng trên. Thứ nhất, Ấn Độ với dân số, diện tích và sức mạnh vượt trội, luôn nhận được ánh mắt nghi kỵ dè chừng từ các nước láng giềng. Thứ hai, với sức mạnh kinh tế hơn hẳn, Trung Quốc vượt xa Ấn Độ trong viện trợ kinh tế và đầu tư cho các nước Nam Á.
Trong tương lai, xu thế này sẽ tiếp diễn. Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng lên các nước Nam Á để tiếp cận Ấn Độ Dương, nơi tuyến đường hàng hải sống còn với Trung Quốc đi qua. Ngược lại, New Delhi sẽ phải tìm mọi cách để duy trì ảnh hưởng, hay ít nhất, giữ quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng.
- Theo ông, Ấn Độ sẽ đối phó như thế nào với sức ép mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Nam Á từ Trung Quốc?
- Giáo sư David Walker: Ấn Độ sẽ buộc phải hướng Đông và hướng Đông mạnh mẽ hơn nữa. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc vươn xuống phía Nam vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của New Delhi. Ấn Độ vươn sang phía Đông tới nơi Bắc Kinh có nhiều lợi ích quan trọng.
Tại hướng Đông, Ấn Độ sẽ tìm thấy nhiều đối tác tiềm năng: Nhật Bản, Australia, Singapore, và Việt Nam. Đây là một hình thức tranh giành ảnh hưởng và cân bằng lực lượng của Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc.
- Vượt ra khỏi khu vực Nam Á, ông đánh giá thế nào về tác động của sự kiện lần này với quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực và thế giới ?
- Giáo sư David Walker: Sự leo thang căng thẳng từ phía Trung Quốc diễn ra trùng thời gian Thủ tướng Ấn Độ Modi có chuyến thăm Mỹ. Có khả năng Trung Quốc muốn gửi thông điệp tới Ấn Độ rằng nước này chớ nên quá thân thiết với Mỹ mà bỏ qua người láng giềng khổng lồ Đông Bắc.
Về khía cạnh này, Trung Quốc có thể sẽ bị tác động ngược. Đã có các thông tin rằng Mỹ muốn lôi kéo Ấn Độ vào mối quan hệ đối tác 4 bên tại châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Thực tế, Nhật Bản và Australia đã tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác quốc phòng với Ấn Độ.
Trước mắt, chưa có khả năng hình thành liên minh quân sự 4 bên trong đó có Ấn Độ. Tuy nhiên, khả năng hình thành cơ chế đối tác an ninh thực chất giữa 4 bên là hoàn toàn có thể xảy ra.