Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?

Biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng đang đặt Trung Á trước những thách thức lớn.

Sơ đồ các con sông tại khu vực Trung Á. Ảnh: Rane

Sơ đồ các con sông tại khu vực Trung Á. Ảnh: Rane

Những tác động này không chỉ làm tăng nguy cơ xung đột khu vực mà còn thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, ít nhất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, nguy cơ bùng phát xung đột bạo lực giữa các quốc gia khó có thể loại trừ hoàn toàn.

Nỗ lực hội nhập khu vực

Hội nghị tham vấn lần thứ 6 của các nguyên thủ quốc gia Trung Á ngày 9/8 vừa qua tại Kazakhstan là một ví dụ tiêu biểu về nỗ lực hợp tác khu vực. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nhấn mạnh rằng hợp tác khu vực đang ở mức cao chưa từng có, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề về biên giới, di cư và rào cản thương mại. Tuy vậy, ông kêu gọi cần chú trọng hơn đến việc quản lý nguồn nước và năng lượng, đồng thời đề xuất thành lập một Liên đoàn nước và năng lượng Trung Á để thúc đẩy chính sách nước chung, phát triển cơ sở hạ tầng thủy điện và áp dụng công nghệ hiện đại như giám sát không gian và số hóa phân phối nước.

Kazakhstan, quốc gia giàu có nhất khu vực, đang dẫn đầu trong thúc đẩy quản lý nguồn nước. Với việc phê chuẩn các công ước quốc tế quan trọng và dự kiến thông qua Bộ luật về nước sửa đổi vào cuối năm 2024, Kazakhstan đang nỗ lực xây dựng các thể chế quản lý nước hiệu quả. Vai trò lãnh đạo của nước này càng được củng cố khi đảm nhận chức chủ tịch Quỹ quốc tế cứu biển Aral vào năm 2024, với mục tiêu giải quyết các thách thức môi trường, nước và năng lượng của khu vực.

Khủng hoảng môi trường và nước

Biến đổi khí hậu đã khiến Trung Á trở thành một trong những khu vực dễ tổn thương nhất thế giới. Nhiệt độ trung bình tại đây đã tăng 2°C kể từ đầu thế kỷ 20, với tốc độ tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Điều này dẫn đến suy thoái đất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới 20% diện tích đất, nơi sinh sống của 30% dân số khu vực. Theo Ngân hàng thế giới (WB), tình trạng khan hiếm nước ở Trung Á có thể lên tới 30% vào năm 2050, trong khi dân số khu vực dự kiến tăng từ 79 triệu lên hơn 90 triệu người.

Hai con sông lớn nhất khu vực, Syr Darya và Amu Darya, vốn cung cấp 90% lượng nước ngọt, đang chịu sức ép khổng lồ từ nông nghiệp tưới tiêu và dân số gia tăng. Lưu lượng nước của hai con sông này dự kiến giảm từ 5% đến 15% vào năm 2050 do sự tan chảy của các sông băng trên dãy núi Tien Shen và Pamir, nguồn cung cấp nước chính.

Kazakhstan và Uzbekistan, hai quốc gia đông dân và phát triển hơn, sẽ chịu áp lực sản xuất lương thực nhiều hơn để đảm bảo an ninh lương thực, trong khi các quốc gia thượng nguồn như Tajikistan và Kyrgyzstan kiểm soát phần lớn nguồn nước nhờ các hồ chứa và đập thủy điện lớn.

Mâu thuẫn nước và nguy cơ xung đột

Đập Rogun ở Tajikistan. Ảnh: intellinews

Đập Rogun ở Tajikistan. Ảnh: intellinews

Tình trạng khan hiếm nước đang làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa các quốc gia hạ nguồn như Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan với các quốc gia thượng nguồn là Tajikistan và Kyrgyzstan. Hai nhóm này có lợi ích cạnh tranh: các nước thượng nguồn cần nước vào mùa đông để sản xuất thủy điện, trong khi các nước hạ nguồn cần nước vào mùa hè để tưới tiêu.

Việc xây dựng các đập thủy điện mới, như Đập Rogun ở Tajikistan và Đập Kambar-Ata-1 ở Kyrgyzstan, làm dấy lên lo ngại về tác động tới lưu lượng nước của các con sông. Tuy vậy, cho đến nay, những công trình này chưa gây ảnh hưởng lớn tới các nước hạ nguồn, và nguy cơ xung đột vẫn ở mức thấp.

Dù vậy, gia tăng chi tiêu quân sự tại khu vực đang đặt ra những dấu hiệu cảnh báo. Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đều tăng ngân sách quốc phòng trong những năm gần đây, một phần do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Caucasus. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng có thể làm giảm nguồn lực cho các sáng kiến quản lý nước và bảo vệ môi trường, làm gia tăng nguy cơ bất ổn trong tương lai.

Hợp tác để giảm căng thẳng

Bất chấp những thách thức, các quốc gia Trung Á đang nỗ lực cải thiện hợp tác. Các cuộc đàm phán phân định biên giới giữa Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan đã đạt được tiến triển đáng kể từ năm 2021. Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn tạo tiền đề cho hợp tác quản lý nước hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các quốc gia đang tìm cách hiện đại hóa hạ tầng nước và thúc đẩy các biện pháp sử dụng nước hiệu quả hơn. Uzbekistan, dù chưa có một bộ luật nước chính thức, đang hướng tới việc cải thiện hệ thống thủy lợi và áp dụng công nghệ mới nhằm giảm lãng phí nước.

Afghanistan và những tác động khu vực

Việc lực lượng Taliban ở Afghanistan đơn phương xây dựng Kênh đào Qosh Tepa nhằm chuyển hướng nước từ Amu Darya là một nguy cơ mới. Kênh đào này không chỉ làm giảm lưu lượng nước của con sông mà còn đe dọa gây thêm xung đột tại khu vực. Taliban, vốn không tham gia các cơ quan quản lý nước khu vực, có thể tiếp tục hành động đơn phương để giải quyết tình trạng thiếu nước tại Afghanistan, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia láng giềng.

Trong khi các quốc gia Trung Á nhận thức rõ rằng chỉ có hợp tác mới tránh được xung đột, tình trạng khan hiếm nước và áp lực biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức không nhỏ. Dù vậy, những nỗ lực hiện tại trong việc tăng cường hợp tác khu vực, cải thiện hạ tầng nước và giải quyết tranh chấp biên giới là những tín hiệu tích cực cho tương lai. Tuy nhiên, các chính phủ cần tránh xu hướng quân sự hóa và tăng cường đầu tư vào quản lý nước để đảm bảo ổn định lâu dài cho khu vực.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo Strafor)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cang-thang-ve-nuoc-o-trung-a-co-hoi-hop-tac-hay-nguy-co-xung-dot-20241125103152160.htm