Căng thẳng vì nước xả thải
Ngày 24/8, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đối với tất cả sản phẩm hải sản từ Nhật Bản được chế biến dưới bất kỳ hình thức nào.
Quan hệ giữa Nhật Bản - Trung Quốc trở nên căng thẳng khi Tokyo tuyên bố có thể khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến lệnh cấm nhập hải sản của Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả sản phẩm hải sản từ Nhật Bản sau khi nước này xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima đang khiến Tokyo kịch liệt phản đối.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 29/8 khẳng định, chính phủ nước này sẽ thực hiện “các hành động cần thiết” để đối phó với lệnh cấm gây thiệt hại kinh tế của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản tiết lộ các động thái của nước này sẽ được thực hiện theo nhiều lộ trình khác nhau, trong đó bao gồm cả khiếu nại Trung Quốc trong khuôn khổ WTO mà cả hai đều là thành viên.
Thông tin khiếu nại này cũng được Bộ trưởng An ninh Kinh tế Nhật Bản Sanae Takaichi xác nhận, nếu việc phản đối lệnh cấm của Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao không hiệu quả.
Căng thẳng bắt đầu từ ngày 24/8 vừa qua, khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu quá trình xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Việc xả thải được chính phủ Nhật Bản nhận định là một bước quan trọng trong quá trình ngừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1, bao gồm cả việc loại bỏ nhiên liệu nóng chảy sau khi nó bị phá hủy trong thảm họa kép động đất - sóng thần vào năm 2011.
Chính phủ Nhật Bản cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc - đều đã xác nhận kế hoạch xả thải này an toàn.
Hồi tháng 7/2023, IAEA đã bật đèn xanh cho kế hoạch khi khẳng định việc này đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong khi tác động đối với con người và môi trường là “không đáng kể”.
Tuy nhiên, động thái xả thải nói trên đã vấp phải sự phản ứng gay gắt và thái độ lên án của chính phủ Trung Quốc.
Ngay trong ngày 24/8, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đối với tất cả sản phẩm hải sản từ Nhật Bản được chế biến dưới bất kỳ hình thức nào.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho rằng, chính phủ Nhật Bản đã “phớt lờ sự phản đối và chất vấn mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và đơn phương bắt đầu kế hoạch xả thải”.
Người phát ngôn của Trung Quốc yêu cầu phía Nhật Bản xem xét mối quan ngại chính đáng của tất cả các bên, ngay lập tức chấm dứt việc xả thải, cũng như tham khảo ý kiến đầy đủ với các nước láng giềng và các bên liên quan khác và xử lý vấn đề một cách có trách nhiệm.
Bắc Kinh sau đó đã liên tục thể hiện quan điểm cứng rắn với phía Nhật Bản về việc xả thải nói trên thông qua các kênh ngoại giao khác nhau.
Căng thẳng khiến Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masataka Okano phải tổ chức cuộc gặp gỡ và trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Wu Jianghao hôm 28/8 để trấn an.
Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc vẫn tái khẳng định lập trường của Trung Quốc cho rằng việc xả thải này gây ra rủi ro to lớn và tác hại khó lường đối với môi trường biển toàn cầu cũng như sức khỏe con người.
Lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Trung Quốc đang khiến ít nhất hơn 700 nhà xuất khẩu thực phẩm của Nhật Bản bị ảnh hưởng, gây ra tổn thất nặng nề về kinh tế.
Trong khi đó, một nước khác cũng tiêu thụ nhiều hải sản từ Nhật Bản là Hàn Quốc thì không ban hành lệnh cấm nhập khẩu như Trung Quốc, nhưng nước này tuyên bố sẽ mở rộng việc kiểm tra phóng xạ để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cang-thang-vi-nuoc-xa-thai-post652422.html