Căng thẳng vùng Vịnh từ việc bắt giữ tàu chở dầu

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran tối ngày 18.8 đã rời khỏi Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, sau khi chính quyền Gibraltar từ chối yêu cầu của Mỹ bắt giữ con tàu.

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran ngoài khơi bờ biển Gibraltar ngày 15.8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran ngoài khơi bờ biển Gibraltar ngày 15.8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Động thái mới này khiến căng thẳng tại vùng Vịnh tiếp tục leo thang.

Tranh cãi ngoại giao

Siêu tàu chở dầu Grace 1 bị Hải quân Hoàng gia Anh và chính quyền Gibraltar bắt giữ từ ngày 4.7 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chở dầu tới Syria. Iran đã bác bỏ cáo buộc trên.

Ngày 15.8, chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar đã quyết định dỡ bỏ lệnh bắt giữ và thả tàu Grace 1. Tuy nhiên, ngày 16.8, Bộ Tư pháp Mỹ công bố lệnh bắt giữ tàu này. Bộ trên cáo buộc tàu Grace 1 nằm trong “âm mưu tiếp cận một cách bất hợp pháp hệ thống tài chính của Mỹ để hỗ trợ việc vận chuyển trái phép tới Syria từ Iran do lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thực hiện”. Mỹ vốn đã xếp IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Theo lệnh bắt giữ, con tàu này cùng với toàn bộ 2,1 triệu tấn dầu trên tàu sẽ bị tịch thu do vi phạm Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) và dựa trên các quy chế tịch thu tài sản do gian lận ngân hàng, rửa tiền, khủng bố. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đe dọa cấm cấp thị thực cho các thủy thủ trên tàu Grace 1 vào nước này với lý do họ đã hỗ trợ IRGC vận chuyển dầu từ Iran.

Ngày 18.8, Gibraltar từ chối đề nghị của Mỹ bắt giữ tàu Grace 1, đồng thời cho biết vùng lãnh thổ này không thể thực hiện yêu cầu của Mỹ xét theo luật pháp của EU. Thông báo của chính quyền Gibraltar nêu rõ chính quyền trung ương không thể tìm kiếm lệnh bắt giữ theo đề nghị của Mỹ do quy định trong vận hành luật pháp của EU và những khác biệt trong cơ chế trừng phạt có thể được áp dụng với Iran tại EU và Mỹ. Thông báo cho biết cơ chế trừng phạt của EU nhằm vào Iran, vốn cũng áp dụng ở Gibraltar, có phạm vi hẹp hơn rất nhiều khi được áp dụng tại Mỹ.

Vận hành tàu chở dầu Grace 1 của Iran là hãng vận tải Astralship. Grace 1 đã được đổi tên thành Adrian Darya trước khi khởi hành. Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad ngày 17.8 đã bác bỏ các cáo buộc rằng Iran đổi tên tàu nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông khẳng định động thái này là để phù hợp với các quy định hàng hải quốc tế. Theo Đại sứ Baeidinejad, việc Iran đổi tên tàu Grace 1 thành Adrian Darya đơn giản bởi vì Panama - quốc gia ban đầu treo cờ trên con tàu này - đã từ chối cho tàu tiếp tục giữ đăng ký sau thời gian bị tạm giữ ở Gibraltar. Dựa trên các quy định về hàng hải, con tàu phải treo cờ của quốc gia nơi nó đăng ký, và vì vậy, "chiếc tàu này đăng ký ở Iran nên một cái tên Iran mới do Iran lựa chọn". Ông nhấn mạnh rằng tàu này không còn bị bất cứ lệnh trừng phạt nào và số dầu trên tàu thuộc về Công ty Dầu mỏ Iran.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Iran ngày 19.8 lên tiếng cảnh báo Mỹ không được phép bắt giữ tàu chở dầu của Iran ở vùng biển quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết: "Hành động như vậy sẽ gây nguy hại đến sự an toàn của tàu bè ở vùng biển quốc tế". Ông cũng cho biết thêm rằng, Iran đã gửi cảnh báo thông qua các kênh chính thức, đặc biệt là qua Đại sứ quán Thụy Sĩ, vốn đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Iran vì nước này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ.

Nguy cơ xung đột

Liên quan đến vụ Grace 1, IRGC ngày 19.7 đã bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero gần Eo biển Hormuz, cáo buộc tàu này vi phạm quy định hàng hải. Anh coi đây là một hành động trả đũa trái phép. Trên thực tế, các vụ bắt giữ tàu qua lại tại vùng Vịnh mà Grace 1 là một ví dụ được các nhà phân tích nhận định là sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.

Trước hết là nguy cơ một cuộc xung đột mới giữa EU và Mỹ. Ngay sau khi quân đội Iran bắt giữ tàu Stena Impero, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị các nước châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ), cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, tham gia vào một nhiệm vụ chung để "chống lại một cuộc xâm lược từ phía Iran", cụ thể là thành lập một liên minh hải quân có khả năng bảo đảm "quyền tự do hàng hải" tại vùng Vịnh.

Trước đề nghị của Mỹ, Pháp tuyên bố rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài chỉ làm tăng thêm những khó khăn trong mối quan hệ với Iran, trong khi tương lai của thỏa thuận hạt nhân đang bị đe dọa. Paris ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao, với sự phối hợp tốt hơn giữa các nước phương Tây và cải thiện việc trao đổi thông tin. Về phần mình, Hà Lan và Bỉ cho biết đang xem xét đề xuất của Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết đang "hợp tác chặt chẽ "với Paris và London để "xem xét" lời đề nghị của Mỹ. Tuy nhiên, bà cũng nêu lên sự khác biệt về mặt quan điểm so với Washington về vấn đề Iran. Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn tìm một giải pháp ngoại giao và chúng tôi muốn thỏa thuận hạt nhân vẫn có hiệu lực". Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng cho rằng "điều tồi tệ nhất là một cuộc xung đột quân sự trong khu vực", điều sẽ thực sự gây nguy hiểm cho hàng hải.

Theo giới phân tích, EU vẫn hy vọng sẽ tạo được sự đồng thuận với Nga và Trung Quốc để thuyết phục Iran rằng thỏa thuận hạt nhân là một cách để đảm bảo an ninh cho Iran. EU sẽ buộc phải thể hiện một số "linh hoạt" về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, cố gắng tiết chế các tuyên bố của Mỹ và loại trừ mọi khả năng thành lập liên minh quân sự mới với Washington. Và như vậy, nguy cơ về một cuộc xung đột mới với Mỹ rất dễ xảy ra.

Tiếp đến là nguy cơ xung đột giữa Iran với Anh và Mỹ bị đẩy lên cao. Trong bối cảnh Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế tối đa và cấm tất cả xuất khẩu dầu của Iran trên toàn thế giới, Anh có thể đưa ra những biện pháp riêng để trừng phạt về kinh tế và ngoại giao Iran. Ngoài ra, London còn có thể yêu cầu Liên hợp quốc và EU áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt từng được gỡ bỏ trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân 2015. Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 20.7, phái đoàn Anh đã lên án “sự can thiệp bất hợp pháp” của Iran. Vì khi bị Iran bắt, tàu chở dầu Stena Impero của Anh đang ở vùng biển của Oman và như vậy, con tàu đó đang thực hiện “quyền được quá cảnh sang eo biển quốc tế như được quy định trong khuôn khổ luật quốc tế”. Bức thư khẳng định Anh “không tìm cách đối đầu với Iran”.

Việc Iran bắt giữ tàu Stena Impero gần eo biển Hormuz - tuyến đường thủy quan trọng nhất của thương mại dầu lửa toàn cầu - là sự leo thang mới nhất trong ba tháng đối đầu gay gắt với phương Tây khi các lệnh trừng phạt mới, nghiêm khắc hơn của Mỹ có hiệu lực hồi đầu tháng 5. Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt này sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn cung cấp cho Iran quyền tiếp cận thương mại thế giới để đổi lấy sự hạn chế trong chương trình hạt nhân của nước này, hôm 8.5.

MINH TRÀ (TTXVN)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/cang-thang-vung-vinh-tu-viec-bat-giu-tau-cho-dau-114659