Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực I siết chặt quản lý đảm bảo an toàn hoạt động cảng, bến
Năm 2019, Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực I đã triển khai nhiều giải pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động của cảng, bến và phương tiện vào, rời cảng, bến, không để xảy ra bất cứ sự cố mất an toàn nào trên địa bàn trách nhiệm được giao quản lý, từ đó công tác quản lý phương tiện ngày càng chặt chẽ từng bước chính quy...
Trong thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị luôn chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo đội ngũ cảng vụ viên nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là công tác dân vận, trong đó mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên, từ đó tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền được thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể như tiếp xúc trực tiếp với chủ cảng, bến, chủ phương tiện thuyền viên hướng dẫn tuyên truyền pháp luật, từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện quy định pháp luật.
Năm 2019, đơn vị chỉ đạo đại diện trực thuộc yêu cầu tất cả cảng, bến có hoạt động bốc xếp hàng hóa ký lại bản cam kết về kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ tại cảng, bến thủy nội địa.
Xác định công tác kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật, lãnh đạo đơn vị đã chú trọng chỉ đạo quyết liệt công tác này. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra năm 2019 và tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2019, đơn vị đã tiến hành lập biên bản xử phạt 421 trường hợp vi phạm, thu số tiền phạt 636 triệu đồng.
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, đơn vị đã chỉ đạo thực hiện 02 kế hoạch chuyên đề về “siết chặt quản lý cảng, bến, phương tiện trên địa bàn quản lý” và “nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý cảng bến phương tiện”, lắp đặt thí điểm hệ thống camera giám sát chuyên dụng tại khu vực trọng yếu cầu vượt sông, khu vực tập trung nhiều phương tiện thủy; xây dựng phần mềm tra cứu thông tin các phương tiện vào làm thủ tục tại cảng, bến; ứng dụng phần mềm quản lý cảng bến, qua đó có thể tra cứu thông tin lượng hàng qua cảng bến, lượng hàng các cảng bến tại tỉnh, thành, quận, huyện, các tuyến sông, tổ, các đại diện... Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến từng bước chính quy, hiện đại.
Năm 2019, Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực I đã tiến hành kiểm tra, làm thủ tục vào, rời cảng, bến đảm bảo tuyệt đối an toàn và thu phí, lệ phí đúng quy định, kết quả có 42.000 lượt phương tiện với trọng tải hàng hóa qua cảng ước tính khoảng 51 triệu tấn, phí thu được 20,3 tỷ đồng. Công tác thí điểm làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn là 4.269 lượt, số lượt tin nhắn đăng ký rời cảng, bến là 115 lượt, đạt 16,01% tổng số phương tiện làm thủ tục.
Theo ông Văn Trọng Dũng - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực I, việc làm thủ tục qua tin nhắn nếu được triển khai chính thức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện, thuyền trưởng giảm được thời gian, giảm chi phí đi lại, được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai còn có một số hạn chế, cú pháp còn dài nên khó thực hiện, tổng đài hay bị nghẽn không gửi được tin nhắn, khó thực hiện ở các bến nhỏ lẻ... Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục vào, rời cảng bằng tin nhắn và việc thực hiện quy trình kiểm tra còn có quy định chưa thống nhất.
Công tác quản lý hoạt động các cảng, bến thủy nội địa đã được đơn vị tăng cường công tác kiểm tra thực tế để kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu chủ cảng bến thực hiện đầy đủ quy định về ATGT đường thủy nội địa; kiểm tra, rà soát các cảng, bến tại các đại diện trực thuộc trên địa bàn được giao quản lý, tuyên truyền hướng dẫn trình tự thủ tục cấp, cấp lại giấy phép hoạt động cảng bến thủy nội địa; tổ chức cho cảng, bến ký cam kết thực hiện quy định của pháp luật về khai thác cảng, bến thủy nội địa. Tính đến tháng 12/2019, tổng số cảng, bến trong khu vực trách nhiệm là 315 cảng, bến so với cùng kỳ năm 2018, tăng 5 cảng, bến (1,6%).
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên hiện trên phạm vi đơn vị quản lý còn nhiều bến thủy nội địa hoạt động không phép và nhiều bến hết hạn giấy phép hoạt động. Việc trên cùng một tuyến sông có nhiều bến không phép xen kẽ những bến được cấp phép hoạt động gây khó khăn trong công tác quản lý là do chưa có sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc xử lý các bến thủy nội địa hoạt động trái phép