Cảnh báo 4 chiêu thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến hiện nay, người bị hại cần tố giác đến các cơ quan dưới đây
Với những chiêu trò ngày càng tinh vi, những kẻ xấu đang thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Mọi người cần nắm được các chiêu thức phổ biến hiện nay để bảo vệ mình.
1. Cảnh báo 4 chiêu thức lừa đảo qua điện thoại, mạng hiện nay
Hiện nay, khi điện thoại di động trở thành vật dụng thiết yếu và phổ biến của mọi người dân, các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt điều này để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau. 4 chiêu thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến hiện này gồm:
- Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang. Theo đó, chỉ với các đầu số giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân.
Tiếp đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.
- Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email… mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng.
Hành vi lừa đảo được chúng thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.
- Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó.
Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
- Tự giới thiệu là người nước ngoài , liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, bị hại/người bị lừa đảo phải nộp các khoản tiền như: Thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.
2. Bảo vệ mình trước những chiêu thức lừa đảo tinh vi
Với các trường hợp nghi lừa đảo, người dùng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài khoản của mình với các nguyên tắc sau:
- KHÔNG cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên với bất kỳ hình thức nào.
- KHÔNG đăng nhập vào bất kỳ đường link nào do người lạ gửi.
- KHÔNG quét các QR code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin.
- KHÔNG cho mượn/cho phép người khác sử dụng tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng điện tử...
- KHÔNG để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản Ngân hàng/ví điện tử trên mạng xã hội.
3. Bị lừa đảo qua điện thoại, làm sao để đòi lại tiền?
Ngay sau khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, bị hại/người bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi mình cư trú (Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an...) để được giải quyết kịp thời.
Người tố giác tội phạm cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây khi làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an:
- Đơn trình báo Công an (trình bày cụ thể sự việc lừa đảo, các yêu cầu cần giải quyết);
- Bản sao công chứng Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
- Chứng cứ kèm theo: Bản ghi âm, biên lai chuyển tiền, ảnh chụp tin nhắn… trong đó có chứa thông tin về hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, người bị lừa đảo cũng có thể tố giác tội phạm thông qua đường dây nóng của Bộ Công an, Công an địa phương:
- Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP Hà Nội: 069.2342431.
- Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP. HCM: 069.3336310.
- Công an TP. Hà Nội: 024.3942.2532.
- Công an TP. HCM: 0283.8413744 hoặc 0693187680.
Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra dựa vào các thông tin mà người tố giác cung cấp. Trong quá trình giải quyết, người tố giác cần phối hợp với cơ quan Công an để cung cấp thêm thông tin phục vụ điều tra.