Cảnh báo bệnh hô hấp, tay chân miệng ở trẻ

Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh liên quan các bệnh hô hấp, tay chân miệng tăng đột biến. Các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo và khuyến cáo người dân cần quan tâm, chăm sóc trẻ tốt hơn khi thời tiết chuyển mùa, không để bệnh phát triển thành dịch.

Bệnh nhi khám bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bệnh nhi khám bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh liên quan các bệnh hô hấp, tay chân miệng tăng đột biến. Các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo và khuyến cáo người dân cần quan tâm, chăm sóc trẻ tốt hơn khi thời tiết chuyển mùa, không để bệnh phát triển thành dịch.

Tại Khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, thời điểm này trở nên quá tải do lượng bệnh nhi được cha mẹ đưa đến khám rất đông. Dọc hành lang bên ngoài khoa, những người chờ đợi nộp sổ khám bệnh cho con xếp thành hàng dài. Bên trong các phòng bệnh, giường nào cũng có hai bé nằm ghép. Dọc hai bên hành lang, các giường nhỏ dành cho bệnh nhi được kê hẳn ra ngoài nhưng vẫn không đủ chỗ. Một số người trải chiếu ở các bậc thang để vừa nằm, vừa tiện chăm sóc trẻ. Tình hình trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám tại BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng thành phố cũng tăng hơn các thời điểm khác. Hiện mỗi ngày, BV Nhi đồng thành phố tiếp nhận gần 3.000 trẻ đến khám, trong đó gần một nửa liên quan đến bệnh đường hô hấp. Số lượng bệnh nhi tính đến thời điểm hiện tại tăng lên gần gấp đôi so với trước đây. Riêng Khoa Hô hấp - BV Nhi đồng thành phố tiếp nhận gần 30 ca nặng đang nằm điều trị. Vì số lượng bệnh nhi tăng nhiều nên Khoa Hô hấp phải tăng cường thêm hơn 10 giường bệnh đặt ở hành lang. Chị T.T (25 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) ngồi chờ nhập viện cho con kể: "Bé khó thở, sốt kéo dài. Chúng tôi đã đưa đi khám BV gần nhà nhưng không khỏi. Ðến BV thì bác sĩ yêu cầu nhập viện do bé có dấu hiệu viêm phổi". Theo bác sĩ Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, trong đợt dịch Covid-19, bệnh nhi điều trị tại khắp các BV trong cả nước đều vắng; sau đợt dịch, ngày đông nhất khoa cũng chỉ có 140 trẻ nằm điều trị. Tuy nhiên, số lượng hiện nay đã hơn 400 trẻ nhập viện, tăng gần gấp ba lần so với trước đó. Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 Trần Anh Tuấn cho biết: Ở phòng khám, 70% số trẻ đến khám hô hấp là người dân TP Hồ Chí Minh, còn trong khoa thì có 60 đến 70% bệnh nhân ở tỉnh nhập viện điều trị và khoảng 70% số trẻ đang nằm điều trị tại Khoa Hô hấp đều dưới 12 tháng tuổi. Các triệu chứng thường gặp ở phòng khám là trẻ bị nhiễm trùng hô hấp như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm tai giữa... Trong khi các trường hợp nhập viện là do mắc bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi... và song hành còn có dị ứng,
hen suyễn.

Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng thời điểm này. Từ đầu tháng 10, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 nhận nội trú mới khoảng 20 bé. Tổng số bệnh nhi nằm viện dao động 40 đến 50 trẻ, trong đó luôn có khoảng ba bé bị nặng, phải hồi sức tích cực. "Riêng phòng khám ngoại trú tiếp nhận 200 trẻ bị tay chân miệng mỗi ngày" - Phó Trưởng khoa Nhiễm -
Thần kinh BV Nhi đồng 1 Dư Tuấn Quy cho biết. Bác sĩ Quy dự báo dịch tay chân miệng đã vào chu kỳ bùng phát nhưng chưa chạm đỉnh, sẽ còn tăng mạnh trong những tuần sắp tới. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn đã có dấu hiệu tăng sau nhiều ngày chững lại. Trong tuần vừa qua, thành phố ghi nhận 886 ca tay chân miệng. Trong đó quận 5, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Cần Giờ ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng trên mức độ cảnh báo. Thành phố cũng ghi nhận 55 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 49 phường, xã thuộc 19 trong số 24 quận, huyện.

Ðể phòng bệnh, BS Trần Anh Tuấn khuyến cáo phụ huynh cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi xấu của thời tiết (khi trời lạnh, cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ; khi trời nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ). Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, cần chăm sóc và theo dõi sát sao, chỉ cho trẻ đi học lại khi điều trị hết bệnh. Về biện pháp lâu dài cần đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, uống nhiều nước, tránh khói thuốc lá... Ðối với trẻ dưới sáu tháng tuổi cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch. Tránh để trẻ ở gần người hút thuốc lá vì dễ tăng nguy cơ viêm phổi. Nếu bị hen suyễn nhưng vẫn sống trong môi trường có khói thuốc lá thì bệnh hen suyễn rất khó kiểm soát.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/canh-bao-benh-ho-hap-tay-chan-mieng-o-tre-622999/