Cảnh báo chất lượng không khí ô nhiễm khi sương mù dày đặc
Vào thời điểm sương mù, khuyến cáo người dân tránh tập thể ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay sương mù xuất hiện nhiều nơi ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Sương mù ở Việt Nam thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa Thu đến cuối mùa Xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa Đông. Đây là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.
Với diễn biến trên, cơ quan khí tượng quốc gia cảnh báo trong sáng và đêm nay (5/3), sương mù tiếp tục xảy ra nhiều nơi ở khu vực phía Đông Bắc Bộ; cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù trên đường cao tốc, khu vực sân bay và đường đèo núi là cấp 1.
Theo TTXVN, nghiên cứu của IQAir, chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5. Nồng độ bụi này ở thành phố Hà Nội hiện nay đang cao gấp 37,2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Với tình hình ô nhiễm không khí trên, IQAir khuyến cáo người dân tránh tập thể ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, chạy máy lọc không khí.
Trước đó, đầu năm 2024, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Theo đó, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (151 - 200), người dân bình thường cần có các biện pháp dự phòng như: Hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động có cường độ vừa phải.
Người dân cần tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm; nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với người nhạy cảm cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc cần gắng sức; nên thực hiện các hoạt động như vận động, tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Trong điều kiện không khí ô nhiễm trên, người dân cần vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.