Cảnh báo cháy do chập điện
Thời gian gần đây, tình trạng cháy do nguyên nhân chập điện trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng một cách đáng lo ngại. Gần đây nhất, hồi 11h33' ngày 08/7/2019, xảy ra cháy nhà dân tại ngõ Lương Sử C, phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa cũng từ nguyên nhân chập điện.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn Thành phố đã xảy ra 278 vụ cháy (đáng chú ý có đến 61% các vụ cháy do nguyên nhân chập điện) và 327 vụ chập cháy trên cột điện.
Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm đến tính mạng người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của cộng đồng.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân như sau:
Một là, mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy, dự kiến lối thoát nạn ngoài cửa chính như ban công, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây. Với hộ gia đình mà các tầng còn tồn tại “chuồng cọp”, đề nghị người dân mở “cửa chuồng cọp” ở mỗi tầng.
Hai là, bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan.
Ba là, phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, aptomat,…) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn; lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như báo cháy tự động, báo rò rỉ khí gas, thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa, van an toàn để kịp thời thay thế khi van hư hỏng. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
Bốn là, không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m.
Năm là, lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay,… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra; các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như: búa, kìm cộng lực, xà beng,…
Công an thành phố Hà Nội dự báo, trong thời gian tới thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cao cháy nổ thiết bị trên các cột điện. Do vậy, khi phát hiện sự cố cháy xảy ra, người dân cần bình tĩnh gọi điện báo ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy Thành phố qua Tổng đài 114.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/canh-bao-chay-do-chap-dien-93990.html