Cảnh báo cháy nổ cho căn hộ riêng lẻ và chung cư

Thời gian gần đây, trên cả nước đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không những thiệt hại lớn về tài sản mà còn thiệt hại về người, hậu quả hết sức tang thương. Đây là thực trạng hết sức báo động trước tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy thời gian qua. Câu hỏi đặt ra 'Đâu là nguyên nhân? Để tìm ra giải pháp nhằm hạn chế cháy nổ tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước'.

Những vụ cháy diễn ra gần đây để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những vụ cháy diễn ra gần đây để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải siết việc chuyển đổi nhà ở riêng lẻ sang mục đích cho thuê trọ và kinh doanh cũng như đã đến lúc phải coi dịch vụ truyền tin cảnh báo nhanh trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CHCN) là một dịch vụ công nghệ thông tin thông thường.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của các vụ cháy đến từ hệ thống hạ tầng, xây dựng, giao thông khi được cấp phép xây dựng đã không tuân thủ kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, nhà trong ngõ ngách đi lại di chuyển khó khăn, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, những hoạt động kinh doanh tại nhà ở phải bắt buộc đảm bảo phòng cháy chữa cháy… Đây là những hệ lụy lâu dài, nguyên nhân gốc rễ sâu xa mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được, và khi chưa kịp khắc phục sửa sai thì chúng ta lại tiếp tục phải nghe tin về các vụ cháy nghiêm trọng như vụ cháy đêm 23/5/2024 khiến 14 người thiệt mạng, vụ cháy này xảy sau gần 8 tháng sau vụ cháy 56 người chết hồi tháng 9/2023.

Còn nguyên nhân hiện hữu trực tiếp hàng ngày là ý thức phòng cháy chữa cháy, sự bất cẩn trong sinh hoạt, trong công việc trong quản lý nguồn nhiệt… của một bộ phận người đang sử dụng, vận hành cơ sở, địa điểm, công trình dẫn tới cháy nổ. Vì thế, muốn khắc phục tình trạng cháy nổ đang diễn biến hết sức phức tạp cần xử lý triệt để cả nguyên nhân sâu xa (gián tiếp) và nguyên nhân trực tiếp đến từ ý thức một bộ phận người dân.

Để không rơi vào tình trạng mất an toàn, vi phạm phòng cháy chữa cháy rất cần sự vào cuộc rà soát trên toàn thành phố để xem xét tình trạng nhà ở riêng lẻ vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn vô tư chuyển đổi sang hình thức cho thuê, cho thuê lại, cho thuê kinh doanh, kinh doanh tại nhà, kinh doanh các sản phẩm - các dịch vụ dễ cháy nổ tại nhà.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà từ một chủ sử dụng sang nhiều chủ sử dụng, nhiều người sử dụng, kinh doanh, sản xuất hàng hóa - dịch vụ ngay tại nhà nhưng không có bất kỳ cơ quan quản lý nào kiểm tra, xử lý… để đến khi hậu quả cháy nổ do kinh doanh tại nhà, trong khu dân cư thì đã quá muộn.

Vì thế “dù muộn còn hơn không làm” tiến hành rà soát loại hình nhà ở riêng lẻ chuyển sang cho thuê trọ, chuyển sang kinh doanh tại nhà nhưng không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có phương án thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra là điều cần thiết…

Đồng thời, nhà ở riêng lẻ xây mới cần quy định có hệ thống phòng cháy khi xin giấy phép xây dựng. Cụ thể như vụ cháy xảy ra tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) rạng sáng 24/5 khiến 14 người tử vong, Trước đó, vào tháng 9/2023, một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại tòa nhà riêng số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngôi nhà có diện tích khoảng 200m2, cao 9 tầng, một tum, là nơi cư trú của khoảng 150 người. Vụ cháy làm 56 người tử vong, 37 người bị thương.

Những vụ cháy diễn ra gần đây để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những vụ cháy diễn ra gần đây để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an Thành phố Hà Nội, Thủ đô Hà Nội tập trung lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên làm việc và học tập. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn về PCCC đối với các khu nhà trọ lại không được chủ cơ sở và người dân thật sự quan tâm, coi trọng nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Cụ thể, đa số nhà trọ nằm trong ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC&CNCH cũng như lối ra thoát nạn, ngăn cháy lan, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa, trang bị phương tiện chữa cháy…Cùng với đó, hầu hết người thuê cũng như người cho thuê chưa nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ, yếu tố gây cháy lan, cháy lớn, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của một số người dân còn hạn chế.

Đặc biệt là thái độ chủ quan, mất cảnh giác hoặc lơ là trong việc sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và hệ thống điện bị đấu nối, câu móc, không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế là một trong những nguyên nhân gây ra cháy, nổ.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy, trên địa bàn quận có hơn 1.000 nhà ở nhiều phòng, trong đó phần lớn kinh doanh thuê trọ, dịch vụ lưu trú. Có 45 nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (thường gọi là chung cư mini) tức những căn hộ có diện tích sàn tối thiểu 30m2/phòng trở lên, có công tơ điện tới từng hộ gia đình, vệ sinh khép kín.

Giải bài toán về phòng cháy với thiết bị thông minh

Tại Việt Nam, PCCC luôn là công tác quan trọng và vấn đề cảnh báo sớm là hết sức cần thiết. Một trong những giải pháp về cảnh báo sớm trong phòng cháy trên thị trường được nhiều chuyên gia đánh giá cao đó là các hệ thống thông tin thông minh. Đó là hệ thống truyền tin cảnh báo khẩn cấp SafeOne; hệ thống Sa bàn ảo và hệ thống VR. Tất cả các hệ thống này đều tập trung giải quyết 2 vấn đề cốt lõi đó là phòng ngừa và phục vụ tác chiến khi có sự cố.

Hệ thống Safeone là nền tảng IOT Platform thông minh tự động phát hiện và truyền tin cảnh báo khẩn cấp trong lĩnh vực an ninh trật tự và PCCC và CHCN. Các hệ thống Sa bàn điện tử và kính thực tế ảo phục vụ công tác xây dựng phương án tác chiến điện tử và đào tạo về PCCC và CHCN.

Đối với hệ thống SafeOne được xây dựng với những mục tiêu cơ bản như sử dụng công nghệ để giám sát tính sẵn sàng của các Hệ thống PCCC tự động đã được trang bị, đảm bảo nó luôn sẵn sàng hoạt động khi có sự cố xảy ra. Tại sao phải làm như vậy? Hiện nay cả nước có khoảng 500- 600 nghìn hệ thống PCCC tự động đã được trang bị cho các điểm quản lý Nhà nước về cháy nổ. Tuy nhiên chúng đang được giám sát bằng con người theo các kế hoạch định kỳ hàng năm và công tác giám sát phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của những người tại các cơ sở đó. Điều quan trọng là hệ thống phải luôn sẵn sàng hoạt động, khi có sự cố cháy nổ xảy ra có thể đối phó kịp thời và hiệu quả.

Theo ông Bùi Ánh Quang, Giám đốc Công nghệ Tổng Công ty Giải pháp Viettel: Cả nước có khoảng 5 triệu hộ gia đình vừa kinh doanh vừa ở, các nhà máy kho tàng xây dựng chưa được trang bị các hệ thống PCCC, hay bất kỳ công nghệ nào để phát hiện cháy nổ. Hầu hết các vụ cháy nổ gây chết người và thiệt hại lớn đến tài sản đều xảy ra ở nhóm đối tượng này, khi cháy thường chỉ nhận biết được bằng mắt thường. Mục tiêu thứ hai của SafeOne là phải hợp tác với các trường đại học, nhóm sinh viên, các công ty công nghệ để phát triển các công nghệ không dây dễ sử dụng, lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng, dễ di chuyển và đặc biệt giá rẻ. Hiện tại, đã phát triển hệ thống không dây tiết kiệm năng lượng để cung cấp cho nhóm đối tượng này đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Mục tiêu thứ ba là phải truyền tin nhanh chóng trong trường hợp xảy ra cháy. Thời gian từ khi có cháy đến lúc nhận cảnh báo không quá 10 giây (hệ thống của Viettel đã đạt 6 giây). Thêm nữa là phải cảnh báo được đến nhiều người cùng biết; vấn đề này là hết sức quan trọng vì trong tất cả những vụ cháy không khắc phục được thì đều do nguyên nhân phát hiện chậm. Thực tế là khi cháy âm ỉ thì chưa được cảnh báo và khi có khói, lửa mới biết thì không thể xử lý kịp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Đặc biệt là hệ thống phải được thiết kế mở để tận dụng tất cả các hệ thống trí tuệ nhân tạo do Viettel hoặc các tổ chức khác phát triển nhằm tăng sự hiệu quả. Hiện tại, SafeOne đang tích hợp với nhiều hệ thống khác nhau định vị con người bị kẹt tại khu vực nguy hiểm. Nhờ vào tính năng này, có thể định vị chính xác vị trí của những người đang mắc kẹt cứu giúp họ. Hoặc là có thể tích hợp với hệ thống về phân tích hình ảnh (VMS) để đưa ra hình ảnh và quang phổ dự đoán nhiệt độ, từ đó có những thông báo trước cho mọi người.

Đối với các hệ thống sa bàn điện tử và kính thực tế ảo thì được phát triển cung cấp cho Cảnh sát PCCC và CHCN cũng như người dùng các bộ công cụ nhằm ảo hóa các mô hình thực tế sang số hóa điện tử phục vụ công tác xây dựng phương án tác chiến đúng thực tế khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đồng thời, dùng công cụ này để đào tạo các kỹ năng về PCCC cho tất cả mọi người giúp tiết kiệm chi phí thực tế.

Mà trong đó Nghị định số 136, 144 do Chính phủ và Thông tư 149 do Bộ Công an ban hành đã quy định rõ ràng rằng dịch vụ truyền tin phải được xã hội hóa. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần phải có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ các cấp để đảm bảo mọi người đều hiểu và tuân thủ, phải coi dịch vụ truyền tin cảnh báo khẩn cấp là một dịch vụ công nghệ thông thường. Khi triển khai những dịch vụ này sẽ thay đổi bản chất tiếp cận thông tin báo cháy của lực lượng cảnh sát PCCC từ bị động (ngồi chờ tin báo) chuyển sang thế chủ động là giám sát trước, san tải công tác chữa cháy cho lực lượng này xuống những người trực tiếp ở cơ sở. Khi đám cháy còn nhỏ mới bắt đầu và được phát hiện sớm thì người dân ở đó có thể xử lý nhanh và dễ dàng.

Một trong những công nghệ và kết nối tới SafeOne của Viettel.

Một trong những công nghệ và kết nối tới SafeOne của Viettel.

Vì thế, ý thức với PCCC là vì an toàn và sinh mạng của người dân. Tất cả đều mong muốn có ngôi nhà và cơ sở của mình được bảo vệ an toàn. Thực tế là vấn đề đặt ra là phải đưa ra các lựa chọn phù hợp và hợp lý, để người dân có thể chọn lựa và đảm bảo an toàn cho môi trường sống của mình.

Mộc Miên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/canh-bao-chay-no-cho-can-ho-rieng-le-va-chung-cu-378465.html