Cảnh báo chiêu thức mới giả mạo shipper giao hàng lừa tiền

Thời gian gần đây người dùng mạng xã hội liên tục phản ánh vấn nạn kẻ xấu giả mạo shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chị Nga, ngụ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy là một người có sở thích mua hàng online. Những lúc rảnh rỗi, chị thường vào xem các phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội TikTok, Facebook. Chị cũng thường xuyên mua sắm đồ dùng trên TikTok, Shopee.

Tuần trước, trong lúc đang ở cơ quan, chị Nga nhận được cuộc gọi của một người tự nhận là shipper giao một món đồ, nói là có người nhà đã thay chị nhận đồ, yêu cầu chị trả tiền cho món đồ đã chuyển phát. Do bận rộn công việc và đặt khá nhiều đơn hàng trên mạng nên chị Nga không kiểm tra kỹ lại thông tin đơn hàng mà chuyển khoản tiền hàng (hơn 300 nghìn đồng) cho đối tượng nói trên. Chỉ đến khi về nhà chị mới biết mình đã mắc lừa đối tượng lừa đảo khi không có món hàng nào được chuyển tới chị.

Chị Nga không phải là nạn nhân duy nhất dính phải chiêu lừa này. Thủ đoạn giả mạo shipper giao hàng không phải là mới. Nó xuất hiện từ những ngày đầu của thương mại điện tử. Tuy nhiên, thời gian gần đây chiêu lừa đảo này lại được các đối tượng xấu sử dụng trở lại với một số biến tướng.

Kẻ xấu lợi dụng những người mua hàng qua trên livestream thường để lại số điện thoại và địa chỉ giao hàng, từ đó chúng thu thập thông tin và thực hiện hành vi lừa đảo. Thời điểm thực hiện thường là vào lúc nạn nhân không có nhà. Kẻ xấu nói rằng chúng đã chuyển hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để trả tiền hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản, trong một số trường hợp, kẻ xấu còn tiếp tục đánh lừa nạn nhân rằng họ đã chuyển nhầm số tài khoản của đơn vị giao hàng nên được đăng ký tự động gói Thẻ hội viên. Với gói Thẻ hội viên này, họ sẽ bị ghi nợ hàng tháng. Muốn hủy gói Thẻ hội viên thì phải truy cập vào website hoặc một đường link để làm theo hướng dẫn.

Với tâm lý lo sợ bị mất tiền, tự nhiên bị ghi nợ hàng tháng trên một hệ thống nào đó, nên một số nạn nhân đã làm theo hướng dẫn của đối tượng xấu.

Khi nạn nhân truy cập vào đường link nói trên, họ sẽ được yêu cầu nhập số tài khoản hoặc cung cấp mã OTP gửi đến điện thoại. Nếu ngây thơ tin vào lời đối tượng xấu, nạn nhân hoàn toàn có thể bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, bị kẻ xấu rút tiền trong tài khoản.

Trong khi đó, một số người khác cũng gặp trường hợp giả mạo shipper, nhưng đã tỉnh táo hơn nên không dính bẫy lừa. Họ cũng đã phản ánh trên mạng xã hội để cảnh báo người dùng về chiêu trò mới này của những kẻ lừa đảo.

 Các phản ánh của người dân trên mạng xã hội về tình trạng kẻ xấu giả mạo shipper để lừa đảo

Các phản ánh của người dân trên mạng xã hội về tình trạng kẻ xấu giả mạo shipper để lừa đảo

Cách phòng tránh

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), người dân khi mua hàng online không nên công khai số điện thoại và địa chỉ giao hàng trên các phiên livestream hoặc các bài đăng công khai. Chỉ nên nhắn tin riêng (inbox) cho người bán hàng.

Khi có điện thoại yêu cầu nhận hàng, chuyển tiền, người dùng cần liên hệ kỹ với người giao hàng hoặc người bán hàng, đảm bảo hàng hóa đã được nhận trước khi thực hiện việc thanh toán chuyển phát. Cảnh giác với những đơn hàng lạ hoặc những lời thúc giục chuyển tiền nhanh.

Chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dân khi mua hàng trên các website thương mại điện tử uy tín như Shopee, Lazada, nên thực hiện theo hình thức thanh toán trước.

Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn và kịp thời giải quyết.

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/canh-bao-chieu-thuc-moi-gia-mao-shipper-giao-hang-lua-tien-post177504.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat