Cảnh báo đến mùa 'khuẩn ăn thịt người'
Bé gái 9 tuổi nhiễm khuẩn gây bệnh Whitmore, khởi đầu với các biểu hiện sốt cao kèm sưng, đau mang tai.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk ngày 8/6 phát đi thông báo ghi nhận ca bệnh Whitmore tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.
Bệnh nhân là bé gái 9 tuổi có tên N.T.V. Bé được đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hôm 4/6 trong tình trạng sốt 39 độ C, hai bên tuyến mang tai sưng to, cứng chắc không di động.
Góc hàm trái của bé có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều, khó há miệng, họng đỏ nhẹ, có nốt loét đầu lưỡi.
Các bác sĩ chẩn đoán bé bị hạ natri máu, áp xe tuyến mang tai 2 bên, theo dõi quai bị biến chứng, nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan…
Đến ngày 7/6, bệnh nhân sốt cao liên tục, 41 độ C. Áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu. Bé cũng đi vệ sinh liên tục 5 lần/ngày.
Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân mắc bệnh Whitmore
Kết quả xét nghiệm cho thấy bé gái dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei, gây bệnh Whitmore. Chẩn đoán nhiễm trùng huyết do vi khuẩn này và theo dõi viêm màng não được đưa ra.
Người nhà cho biết cách vào viện chừng 10 ngày, bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao kèm sưng, đau vùng mang tai.
Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày (không rõ loại) nhưng không giảm nên đưa bệnh nhân vào khám tại bệnh viện.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất.
Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 tới tháng 11).
Vì thế, số ca nhập viện vì bệnh này vào mùa mưa thường gia tăng. Điển hình, hồi tháng 11/2020, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết tiếp nhận tới gần 60 bệnh nhân chỉ trong 1,5 tháng dù trước đó chỉ lẻ tẻ vài ca.
Vi khuẩn này có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, gây viêm loét hay áp xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng máu… Do đó, Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore vẫn thường được dân gian gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng.
Bệnh nhân sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm đường tiết niệu; viêm phổi; áp xe ở gan; lách; nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...
Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
Không những khó chẩn đoán, Whitmore còn khó điều trị. Bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Ngoài nguyên nhân do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng gây tử vong, theo PGS Cường, dù chẩn đoán đúng, bệnh nhân nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong.
Ngoài ra, không ít bệnh nhân bỏ cuộc do việc điều trị lâu dài, tốn kém.
Việc chẩn đoán xác định khuẩn gây bệnh Whitmore được thực hiện bằng nuôi cấy máu và các dịch ổ áp xe. Theo PGS Cường, những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Vị chuyên gia khẳng định bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vắc xin, do đó các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…
Người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn là biện pháp phòng bệnh hữu ích.
Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
PGS Cường cũng khuyến cáo khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, người dân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.