Cảnh báo đuối nước dịp hè
Chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 4, trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 học sinh đuối nước. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với nhà trường, các em học sinh và các bậc phụ huynh khi mùa nắng nóng đang đến gần.
Chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 4, trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 học sinh đuối nước. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với nhà trường, các em học sinh và các bậc phụ huynh khi mùa nắng nóng đang đến gần.
Liên tiếp đuối nước thương tâm
Chiều 14-4, 6 em học sinh rủ nhau lên rừng, leo lên thác nước tại khu vực khe Xài Phố (thuộc địa bàn xã Sơn Lĩnh, H.Hương Sơn) để tắm mát. Tại đây, tai nạn thương tâm đã xảy ra, em Nguyễn Thị Mỹ L. (2005, học sinh lớp 10 Trường THPT Hương Sơn) đã mãi mãi ra đi ở tuổi 16. Theo lãnh đạo nhà trường, L. là học sinh ngoan, lễ phép. Cái chết của em L. rất đáng thương. Những ai biết về hoàn cảnh của L. sẽ càng thương hơn, đau đớn hơn. Gia đình em thuộc diện nghèo nhất thôn 4, xã Sơn Lĩnh, sống biệt lập ở một ngọn đồi. Bố tính khí thất thường, mẹ bệnh tật quanh năm. Những đứa con trong gia đình không được ai nhanh nhẹn, nên chẳng được học hành. L. sáng dạ, lại ngoan ngoãn và lanh lợi nên được cho đi học kiếm chữ. Có thể nói, em là niềm hi vọng duy nhất của cả gia đình. Nhưng niềm hi vọng ấy, đã bất ngờ vụt tắt ở khe Xài Phố.
Trước đó, ngày 1-4, một nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, H. Can Lộc) rủ nhau xuống tắm ở hồ điều tiết nước Cửa Ao, thuộc thôn Quần Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên.Trong lúc bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia của hồ, em N.L.M (TDP Bắc Mỹ, thị trấn Đồng Lộc) bị đuối nước. Tối cùng ngày, thi thể em N.L.M đã được tìm thấy ở khu vực giữa hồ, lực lượng chức năng đã bàn giao cho gia đình làm thủ tục mai táng.
Tiếp đó, vào trưa 4-4, em P.N.Đ (2006, thôn Đông Mỹ, xã An Hòa Thịnh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Khắc Viện) và 2 người bạn rủ nhau đi tắm ở sông Ngàn Phố đoạn qua cầu Mỹ Thịnh.Trong lúc tắm, em Đ. không may bị nước nhấn chìm. Đến chiều cùng ngày, thi thể nạn nhân được lực lượng tìm kiếm phát hiện cách bờ sông Ngàn Phố khoảng 30m.
Một trường hợp đuối nước thương tâm khác là em V.V.H (2007, trú thôn 5, xã Phúc Đồng, H.Hương Khê, học sinh lớp 6B, Trường THCS Phúc Đồng). Vào khoảng 15 giờ ngày 5-4, em H. đi chơi không thấy về nên gia đình và người thân cùng nhau đi tìm. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, bà Đặng Thị Nữ (hàng xóm) ra khu vực đập Cánh Hạc cùng thôn thì phát hiện một đôi dép ở trên bờ. Triển khai tìm kiếm, người dân phát hiện em H. chìm dưới lòng đập.
Cách cái chiết thương tâm của em L. 2 ngày, vào khoảng 17 giờ 15 chiều ngày 12- 4, một nhóm 4 em học sinh lớp 10 (Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Vũ Quang) rủ nhau lên kênh Ngàn Trươi, thuộc địa phận thôn 5, xã Đức Bồng để tắm. Đến khoảng 18 giờ 15 thì em T.V.L. (2005, trú xã Đức Giang) không may bị đuối nước. Do bị chìm sâu nên nhiều người lặn vẫn không cứu được em L. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, thi thể của em mới được tìm thấy và và bàn giao cho gia đình mai táng theo phong tục tập quán của địa phương.
Hiểm họa từ việc tắm tự phát
Thời điểm đầu hè là khoảng thời gian các em học sinh có thói quen rủ nhau đi tắm ao hồ, sông, suối, biển… Được bơi lội thỏa thích trong làn nước mát lạnh giữa cái nóng oi bức thật sự là một niềm vui đối với các em nhỏ, nhưng nó lại tiềm ẩn nguy cơ đuối nước là rất lớn nếu như không có sự giám sát của người lớn. Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua đã để lại rất nhiều sự thương tiếc cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, ở một số vùng nông thôn, do cuộc sống gia đình khó khăn nên các em phải tự mưu sinh bằng việc mò cua bắt ốc tại các khu vực sông, hồ, đây cũng là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ cao tình trạng đuối nước hiện nay.
Từ thực tiễn các vụ đuối nước trên cho thấy, phần lớn là do nạn nhân chủ quan, thích rủ nhau tắm "tự phát" nhưng thiếu kiến thức và kĩ năng bơi lội. Các khu vực bãi tắm "không chuyên" nên không có sự quản lý, giám sát, thiếu sự an toàn. Lứa tuổi thanh thiếu niên có tính hiếu động, thích tụ tập thành nhóm để vui chơi ở những địa điểm công cộng có nguồn nước biển, sông, suối, ao hồ vào mùa nắng nóng. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra đuối nước, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và bản thân trẻ em về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ Hè; hướng dẫn cho các em những nguy cơ tiềm ẩn, những kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý các tình, huống khi bơi lội. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu. Tạo một môi trường sống lành mạnh cho trẻ.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần dạy cho con em mình giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn. Chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tuyệt đối tuân thủ những quy định của bể bơi, khu vực bơi và chú ý đảm bảo về sức khỏe của các em khi tham gia hoạt động bơi lội; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em.
Phòng chống đuối nước cho trẻ em là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, ngoài giáo dục kiến thức cũng cần giáo dục cho trẻ nhỏ kĩ năng sống, kĩ năng ứng phó với các tình huống có nguy cơ gây nguy hiểm tới tính mạng và đặc biệt cần tạo ra những sân chơi, những khóa học bổ ích để trẻ nhỏ có thể được vui chơi trong dịp hè và học được kĩ năng sống một cách tự nhiên, chủ động, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_241613_canh-bao-duoi-nuoc-dip-he.aspx