Cảnh báo: Gia tăng số người trẻ tuổi mắc bệnh cao huyết áp
Tăng huyết áp không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân thường không phát hiện ra bệnh lý. Do đó, người dân cần tầm soát sức khỏe định kỳ.
Hiện nay, trong số những người mắc bệnh tăng huyết áp, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi chiếm tỷ lệ nhiều - đây là điều đáng lo ngại.
Trong chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp diễn ra ngày 27/6 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có tới 30% người bệnh tới khám mắc tăng huyết áp là người trẻ.
Trong sáng nay, có hai bệnh nhân mới 22 tuổi và 27 tuổi đã được các bác sỹ phát hiện bệnh lý tăng huyết áp. Đây là hai bệnh nhân có thể tìm ra được căn nguyên gây bệnh sau khi thực hiện các xét nghiệm lâm sàng.
Thạc sỹ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch-Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết tăng huyết áp là tăng áp lực máu lên mạch máu, gây ra gánh nặng lớn cho tim và tạo hậu quả nặng nề cho cơ quan khác.
Trước đây, 95% người tăng huyết áp không có nguyên nhân đa phần rơi vào nhóm trung niên, người già, 5% tìm ra nguyên nhân rơi vào người trẻ. Nhưng đến nay, trong số 95% tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, số người trẻ đang tăng dần và đây là điều đáng báo động.
Các bác sỹ Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực vừa điều trị cho trường hợp một bệnh nhân nam 34 tuổi ở Thái Nguyên.
Bệnh nhân ưđợc gia đình đưa vào nhập viện ngay sau khi có triệu chứng nhói đau ở ngực, hình ảnh X-quang cho thấy trung thất giãn ngực, theo dõi phình tách động mạch chủ, phải chuyển đến Bệnh viện Việt Đức ngay trong đêm.
Tại thời điểm nhập viện, huyết áp của bệnh nhân lên tới 180, ngay tại phòng khám bệnh nhân phải dùng thuốc đường truyền liều cao để hạ huyết áp.
Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sỹ xác định tình trạng của bệnh nhân tối cấp cứu, các bác sỹ chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm.
Bệnh nhân có tổn thương phình rách động mạch chủ xuất phát từ tim, lan rộng đến 2 nhánh động mạch chân. Sau 5 tiếng phẫu thuật, các bác sỹ giữ được tính mạng của bệnh nhân.
Nam bệnh nhân trên có tiền sử hay hút thuốc lá, uống rượu bia, nặng gần 100kg và cao 1,7m.
Bác sỹ Bình phân tích, ca mổ thành công, bệnh nhân khỏe lại nhưng nếu không kiểm soát tốt tăng huyết áp, tiểu đường, lối sống thì nguy cơ tái bệnh rất nhiều. Do đó, bệnh nhân cần phải tuân thủ khuyến cáo phòng bệnh.
Trên thế giới, một năm có 4,7 triệu người chết vì hậu quả của tăng huyết áp, nhồi máu não; hai triệu người chết vì xuất huyết não; 1,5 triệu người chết vì nhồi máu cơ tim…
Tại Việt Nam, nghiên cứu ở cả ba vùng miền cho thấy ở lứa tuổi 25 tuổi trở lên có khoảng 25% tăng huyết áp. Trong đó, chỉ có khoảng 30-38% bệnh nhân được điều trị và số bệnh nhân được điều trị đạt đích, hiệu quả tốt chỉ khoảng 10%.
Bác sỹ Bình cảnh báo việc trẻ hóa tăng huyết áp, các biến chứng tim mạch, não, tổn thương đáy mắt, thận… sẽ càng trầm trọng hơn vì thời gian tăng huyết áp diễn ra lâu dài hơn. Tăng huyết áp từ trẻ có thể kết hợp với bệnh lý chuyển hóa khác như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, làm biến cố tim mạch rõ ràng hơn.
Tăng huyết áp không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân thường không phát hiện ra bệnh lý. Do đó, người dân cần tầm soát sức khỏe định kỳ.
Người bệnh cần đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị; Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ…) trong quá trình điều trị./.