Cảnh báo gia tăng tội phạm lừa đảo

Trong nhóm tội phạm hình sự liên quan đến trật tự an toàn xã hội, tội phạm lừa đảo đang đứng thứ 3 về số vụ việc. Việc gia tăng tội phạm lừa đảo có nguyên nhân chính và trực tiếp là sự 'bùng nổ' của internet và công nghệ, các mối quan hệ xã hội 'phát triển chóng mặt', phát sinh các quan hệ dân sự, kinh tế thiếu an toàn.

Một nguyên nhân khác là sau đại dịch Covid-19, những biến động về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cũng góp phần làm gia tăng một số loại tội phạm hình sự, trong đó có nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, số vụ án hình sự về trật tự xã hội trên địa bàn có xu hướng giảm; xét về cơ cấu, số vụ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đứng thứ 3 trong nhóm tội phạm về trật tự xã hội, chỉ đứng sau tội phạm trộm cắp, tội phạm cố ý gây thương tích.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Thị H., sinh năm 1979, hộ khẩu tại tỉnh Yên Bái, trú tại thành phố Lào Cai về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung của vụ án, để thực hiện ý đồ lừa đảo, H. lên mạng tìm địa chỉ và thuê người làm giả giấy đăng ký xe ô tô rồi lấy giấy tờ này cầm cố, vay nợ của người quen là chị Nguyễn Thị Hải Y., trú tại thành phố Lào Cai với số tiền 300 triệu đồng.

Vụ lừa đảo thành công, Nguyễn Thị H. tiếp tục đặt làm giả giấy đăng ký xe ô tô để vay của chị Nguyễn Thị Thanh T., trú tại thành phố Lào Cai 100 triệu đồng; vay của chị Nguyễn Thị P. 500 triệu đồng. Do vay nợ của nhiều người và không có khả năng chi trả nên Nguyễn Thị H. đã đến cơ quan công an tự thú, nhận các hành vi phạm tội.

Trong vụ án này, Nguyễn Thị H. đã bị buộc 2 tội danh là “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa, bị cáo H. phải chịu tổng hợp hình phạt 12 năm 6 tháng tù.

Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử đối tượng Nguyễn Văn L., sinh năm 1981, trú tại huyện Mường Khương với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để thực hiện ý đồ, L. đã lên mạng đặt làm giả một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe ô tô để đi vay nợ và chiếm đoạt tiền của nhiều người. Nguyễn Văn L. đã lừa đảo 5 người, chiếm đoạt 1 tỷ 830 triệu đồng, người bị lừa số tiền lớn nhất là 700 triệu đồng, người bị lừa chiếm đoạt ít nhất là 200 triệu đồng tính đến thời điểm này.

Anh Phạm Xuân H., trú tại huyện Bảo Thắng tới Công an phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) để bảo lãnh 2 công nhân của mình bị tạm giữ hình sự liên quan đến sử dụng trái phép chất ma túy. Tại đây, anh H. gặp Nguyễn Thành L., sinh năm 1994, trú tại thành phố Lào Cai (đang có mặt tại trụ sở Công an phường Kim Tân), do vắng người nên L. nhận luôn mình là cán bộ công an phường. L. bảo anh H. ra về để được nhận hướng dẫn giúp đỡ qua điện thoại. Qua liên lạc trao đổi, hôm sau L. thuê một xe ô tô và tìm đến lán thợ của anh H. yêu cầu đưa 10 triệu đồng cho việc bảo lãnh 2 công nhân tại ngoại. Buổi chiều cùng ngày, L. tiếp tục liên lạc yêu cầu anh H. chuyển thêm qua tài khoản 10 triệu đồng, ngày hôm sau yêu cầu chuyển tiếp 15 triệu đồng; tổng cộng 3 đợt là 35 triệu đồng. Thấy nguyện vọng không được đáp ứng, trong khi L. lại chặn liên lạc của mình nên anh H. đã tố cáo tới cơ quan công an.

Tại cơ quan điều tra, L. lộ rõ là kẻ lưu manh khi có tiền sự xâm phạm sức khỏe người khác, bị Công an phường Duyên Hải xử phạt hành chính. Mức án 1 năm 3 tháng tù là hoàn toàn xứng đáng cho hành vi lừa đảo của Nguyễn Thành L.

Thông thường, ai gặp người khổ nạn thì ra tay cứu giúp, nhưng thanh niên Đàm Quốc H., sinh năm 2002, trú tại thành phố Lào Cai lại làm ngược lại. Đang ngồi “ngáp vặt” bên quán trà đá vỉa hè thì H. đọc được thông tin trên một trang mạng xã hội Lào Cai có thông tin của anh Đinh Việt C. đăng tải: “Xin nhờ mọi người chia sẻ giúp. Em B., học sinh lớp 9B, Trường THCS X, phường Lào Cai sáng nay đi bộ đến trường từ 5 giờ sáng nhưng đến nay gia đình và nhà trường không có tin tức gì của em. Ai biết hoặc thấy em B. ở đâu thông báo giúp gia đình theo số điện thoại 0846988xxx”.

Trong đầu H. nảy ra kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hắn liền nhắn vào số điện thoại của anh Đinh Việt C. với nội dung thông báo rằng Công an tỉnh đang tạm giữ hình sự một học sinh có đặc điểm như trên, đang cần người thân tới bảo lãnh cháu về nhà.

Để không bị lộ, H. nói với anh C. vì lý do nghiệp vụ, không gọi điện, mà chỉ nhắn tin qua mạng xã hội với nội dung nếu gia đình không bảo lãnh sẽ phải nộp 32 triệu đồng và em B. có thể phải đi cải tạo. Dù không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng vì quá hoang mang nên anh C. đã lập tức chuyển khoản 5 triệu đồng. Nhận được số tiền trên, H. liền chặn các cuộc gọi và tin nhắn từ anh C.

Lưới trời lồng lộng, Đàm Quốc H. bị bắt ngay sau đó, nhận một mức án tương xứng với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trở thành bài học quý cho những kẻ lười lao động nhưng lại muốn rủng rỉnh tiêu xài bằng việc đi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người khác.

Những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên là rất điển hình, nhưng nhìn chung vẫn là phạm tội giản đơn, chưa phản ánh hết xu hướng loại tội phạm này, bởi hiện nay, tội phạm lừa đảo qua mạng internet là phổ biến và chiếm số đông. Loại tội phạm sử dụng công nghệ, mạng internet thường hoạt động hết sức tinh vi, có nhiều thủ đoạn, lừa đảo nhiều người, trong khi chứng cứ, dấu vết, thông tin về tội phạm rất khó xác định. Đó cũng là lý do cơ bản khiến không ít người là nạn nhân đã giữ im lặng, không tố cáo hành vi phạm tội của kẻ xấu với cơ quan điều tra.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng là người dân cần tự trang bị cho mình kỹ năng, thông tin, kinh nghiệm, nêu cao ý thức cảnh giác, phòng tránh, nhất là khi tham gia mạng xã hội vì rất có thể một cái bẫy tinh vi đang giăng ra trước mắt mình từ các thông tin hấp dẫn mà mình không hay biết.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/canh-bao-gia-tang-toi-pham-lua-dao-post375083.html